Du ngoạn thắng cảnh núi Nổi An Giang
Từ thị xã Tân Châu đi theo hướng Vĩnh Xương, đến cầu An Lôi Thôi thì rẽ trái chừng khoảng 10 cây số đến ngọn núi này. Dọc hai bên đường là những ngôi nhà cao cẳng kiểu “sống chung với lũ”. Thời gian gần đây, đê bao đã khép kín. Lũ không còn chụp vào những ngôi nhà nữa, nhưng người dân địa phương vẫn chuộng loại nhà này. Dù cất mới hay sửa chữa, họ vẫn giữ lại kiến trúc cũ. Đó là những ngôi nhà gỗ cất trên những cây trụ khoảng 8 tấc đến 2 mét. Nhà kiểu ba gian, hai chái, mái lợp ngói đỏ, sàn và vách gỗ. Kiểu nhà sàn này rất mát mẻ. Bên trên là chỗ ở. Phần dưới sàn dùng làm nơi chứa nông cụ, vật tư nông nghiệp...
Suốt đoạn đường đến núi Nổi, nhà cửa nằm sát nhau như phố. Đang mùa gặt hái, ai nấy tất bật với việc đồng áng. Thời điểm này khá thuận tiện để khách trải nghiệm cuộc sống, thưởng thức và tìm hiểu việc nhà nông. Địa phương này dù rất phát triển về cơ giới hóa nông nghiệp nhưng nhiều nông dân vẫn sử dụng sức trâu để cày bừa và vận chuyển lúa từ đồng về nhà. Trên đường đi, thỉnh thoảng du khách bắt gặp những chiếc xe trâu kéo nặng nề, trên xe chất đầy những bao lúa. Đường dẫn vào núi Nổi là một con đường mới đắp rộng khoảng 5m, cao hơn mặt ruộng. Hết con đường này là núi.
Núi Nổi là một trong các ngọn núi thấp nhất và nhỏ nhất trong số núi ở An Giang. Nói là núi nhưng độ cao của nó chỉ khoảng 10m bao gồm đất và đá chất chồng lên nhau. Tương truyền, khoảng 2.500 năm trước, nơi đây từng tiếp đón các tàu buôn tơ lụa, gốm sứ đến mua bán như ở vùng Ba Thê-Núi Sập. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nơi này rất hoang vu. Bộ đội lẫn vào đây thì mất hút, địch chẳng lần ra dấu. Tên địch nào lọt vào đây thì đừng hòng quay trở ra. Vì thế người ta ví khu vực núi Nổi như ngọn đồi Tức Dụp thứ hai của An Giang. Phần lớn cánh đồng trồng lúa ngày nay xưa là một rừng tre rộng lớn. Bộ đội đóng quân trong khu vực này để đánh giặc.
Sau năm 1975, rừng tre được san phẳng lấy đất trồng lúa. Địa phương chỉ giữ lại nguyên trạng núi Nổi. Giữa đồng trống mênh mông, ngọn núi như một nét điểm xuyết bởi rừng cây rậm rạp với những cây cổ thụ tỏa bóng mát. Theo những bậc thang, khách lên đỉnh núi. Tại đây có một ngôi chùa cổ xưa mang tên Phù Sơn Tự. Ngôi chùa được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Ngôi chùa đơn giản nhưng cổ kính. Trong tâm linh người dân địa phương, núi Nổi là chốn linh thiêng để gởi gắm đức tin. Đối với khách ưa khám phá, đây là điểm đến thú vị. Vì sao giữa đồng ruộng lại có một gò đá cao như thế? Lý giải điều này, người dân địa phương cho rằng: núi Nổi là một dạng núi sót nằm cách xa quần thể Thất Sơn và các cụm núi Campuchia. Do đó, núi Nổi vẫn được gọi là núi chứ không gọi là gò.
Người trong chùa rất thân thiện và hiếu khách. Khách có thể ngồi trò chuyện nhiều giờ liền. Khi con nước ở thượng nguồn sông Mê Công đổ về cũng là lúc việc đồng áng đã xong, nước ngập trắng đồng, núi Nổi nhô lên như một cù lao nhỏ trên biển nước mênh mông ấy, hoặc như một đóa sen lớn trên đồng nước đỏ hồng màu phù sa. Trên núi có những cây sao, cây dầu, cây còng hàng chục, trăm năm tuổi đứng vững chải, che kín ngọn núi. Nơi đây lý tưởng cho các hoạt động du lịch khám phá, về nguồn vừa thư giãn vừa tìm hiểu được nhiều kiến thức bổ ích. Kết hợp chuyến đi này, du khách có thể dừng chân lại làng dệt Tân Châu xem nghệ nhân nhuộm mặc nưa tạo màu đen bóng láng tạo sản phẩm dệt nổi tiếng lãnh Mỹ A một thời vàng son.
Hàng năm, vào khoảng tháng 9 âm lịch, lễ hội núi Nổi diễn ra tạo không khí vui chơi cho người dân địa phương sau khi kết thúc việc đồng áng. Đó là một sản phẩm du lịch độc đáo cho du khách đến từ phương xa.