Hành trang lữ khách

Quyến rũ Mường Hum – Lào Cai

Cập nhật: 19/09/2011 09:58:07
Số lần đọc: 2076
Từ nhiều năm nay, du khách trong và ngoài nước đã biết đến Mường Hum (Bát Xát) qua con đường du lịch khám phá, tham gia các sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại các làng, bản miền sơn cước.

Bên cạnh những nét độc đáo về thiên nhiên, cảnh sắc hoang sơ, Mường Hum còn ẩn chứa kho tàng văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số, chợ phiên rực rỡ sắc màu thổ cẩm.

 

Mường Hum nổi tiếng từ lâu với bài hát "Suối Mường Hum chảy mãi". Ngọt ngào chất liệu dân ca, cảm xúc về đất và người vùng cao mãi còn tươi mới. Cảm xúc về một địa danh làm cho ai cũng muốn khám phá, muốn đặt chân đến để thêm yêu, thêm quý Mường Hum - bản sắc suối nguồn. Mường Hum có vị thế là trung tâm của khu vực 8 xã nằm ở phía Tây Bắc huyện Bát Xát. Mường Hum khá biệt lập với bên ngoài, do địa bàn xã nằm lọt trong thung lũng, bốn phía vây quanh là núi non điệp trùng, giăng hàng hiểm trở như thành lũy. Muốn vào Mường Hum phải vượt qua rừng già với nhiều đoạn đèo dốc, có đoạn còn được gọi là "cổng trời". Mường Hum được mệnh danh là vùng đất tinh hoa của sự đoàn kết các dân tộc anh em trong khu vực, bởi từ lâu đời, đây được chọn là nơi "đất lành, chim đậu". Cư dân sống trong thung lũng Mường Hum chủ yếu là người Giáy, người Dao, người Mông. Tài nguyên thiên nhiên dồi dào cộng với sự yên hòa vốn có là những yếu tố quyết định cho đồng bào chọn làm nơi định cư.

Suối Mường Hum là tên gọi chung cho dòng chảy hợp lưu từ suối Piềng Láo và suối Nậm Pung Hồ đổ về. Suối Mường Hum mang vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng. Có đoạn "cường tráng, vạm vỡ, sung sức như chàng trai vừa trưởng thành", có đoạn lại "nhu mì, hiền hậu, e ấp như thiếu nữ vừa biết buông tóc xõa làm duyên"; là nguồn nước tưới cho những triền ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ. Ở Mường Hum còn có những cánh rừng nguyên sinh, rừng tái sinh, rừng trồng được bảo vệ và phát triển tốt. Rừng tạo nên dáng vẻ thâm u huyền tích, giữ cho không khí trong lành, cho suối nguồn còn chảy mãi, cho mỗi nếp nhà dưới núi cao, vách đứng được an lành, không bị tàn phá bởi những cơn giận dữ của thiên nhiên. Ý thức giữ rừng đã có từ lâu đời, khi đồng bào kiếm chất đốt thì chỉ dám đi nhặt những cành khô trôi nổi trên dòng suối. Ngày nay, kết hợp với chính sách bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, màu xanh cây lá của Mường Hum càng mướt mát hơn, là gam màu chủ đạo trong không gian thơ mộng còn nhiều nét hoang sơ và hấp dẫn. Giữa không gian ấy, phố chợ Mường Hum hiện lên thật thanh bình. Ngày chợ phiên, tấp nập dòng người đổ về đây với đa sắc màu thổ cẩm, rực rỡ, phong phú và choáng ngợp. Các cô gái Dao xúng xính trong bộ trang phục truyền thống với màu đỏ chủ đạo của khăn, màu chàm của áo, làm nổi bật lên những gương mặt rạng rỡ, vẻ đẹp xuất lộ từ nét chất phác tự nhiên, từ nét lam lũ còn giấu trong ánh mắt, nụ cười, nhưng đầy tự tin, quyến rũ. Các cô gái Mông diện những bộ váy áo thổ cẩm như "những bông hoa biết đi". Bông hoa ấy mang sắc chàm xanh với vô vàn họa tiết, hoa văn tinh tế, hình xoắn ốc, hình rau rừng, hình cây cối, chim muông, hoa lá được kết tinh trên những mảng thổ cẩm, làm nên một bức tranh thu nhỏ của vạn vật thiên nhiên trên trang phục của mình. Ở một khu chợ, các chàng trai, cô gái người dân tộc Hà Nhì từ Ý Tý mang về chợ những hạt giống rau, dụng cụ sản xuất… Có chị thì mang theo trong thồ những con len, cuộn chỉ đầy màu sắc. Chợ phiên Mường Hum hiện rõ sắc thái các dân tộc thiểu số cùng cư trú trên vùng đất này. Màu sắc ấy đã làm mê hoặc lòng người, du khách đến đây không khỏi đi từ ngạc nhiên, ngỡ ngàng đến thích thú và ấn tượng.

Trong điều kiện giao thông còn khó khăn, nhưng đến Mường Hum là đến một vùng thơ mộng, hoang sơ, vùng văn hóa đậm bản sắc dân tộc, nơi suối nguồn còn chảy mãi, hát mãi về vẻ đẹp một vùng non nước hữu tình của Bát Xát.

Nguồn: website báo Lào Cai

Cùng chuyên mục