Hành trang lữ khách

Du lịch về nguồn ở Sơn Dương, Tuyên Quang

Cập nhật: 20/09/2011 09:37:45
Số lần đọc: 2068
Huyện Sơn Dương hiện có hơn 200 điểm di tích lịch sử, tập trung nhiều ở các xã: Tân Trào 47 di tích, Minh Thanh 36 di tích, Trung Yên 22 di tích, Bình Yên 20 di tích... Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, nhiều điểm di tích lịch sử trên địa bàn huyện Sơn Dương đã được tôn tạo.

Trong đó nổi bật là các điểm di tích, như: Nhà Lưu niệm Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội ở thôn Chi Liền, xã Trung Yên; Bảo tàng Công an nhân dân tại Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương, thôn Lũng Cò, xã Minh Thanh; Khu di tích Chính phủ, tại thôn Lập Binh, xã Bình Yên; công trình khôi phục giúp cây đa Tân Trào hồi sinh... Việc xây dựng, tôn tạo các công trình này không chỉ giúp bảo tồn, phát huy giá trị của các điểm di tích trên địa bàn huyện mà còn có ý nghĩa to lớn góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về truyền thống vẻ vang, hào hùng của dân tộc; khơi dậy niềm tự hào, lòng biết ơn đối với lớp cha anh; tìm thấy trong truyền thống sức mạnh của hiện tại, trở thành cái nôi giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng; đưa các điểm di tích lịch sử cách mạng này thành điểm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước.

 

Đồng chí Đặng Xuân Sửu, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sơn Dương cho biết, từ đầu năm đến nay, huyện đã đón tiếp, hướng dẫn trên 2.000 đoàn khách tham quan khu di tích, với trên 34.000 lượt du khách tham quan; thu phí tham quan được trên 200 triệu đồng. Để du lịch Sơn Dương trở thành địa chỉ thân thuộc để du khách trong và ngoài nước tìm về tham quan, UBND huyện, Phòng Văn hóa - Thông tin, Ban quản lý Khu di tích lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào và UBND các xã có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn phối kết hợp với bà con nhân dân thực hiện tốt công tác giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo các điểm di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh, quảng bá hình ảnh và tiềm năng du lịch của huyện. Cùng với đó, chúng tôi cũng khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phục vụ du lịch; tổ chức cho đại diện của 13 hộ gia đình tại Làng Văn hóa Tân Lập đi tham quan Làng Văn hóa Mai Châu (Hòa Bình) để học tập mô hình phát triển du lịch cộng đồng.


Chị Nguyễn Thị Hải, hướng dẫn viên du lịch của Ban quản lý Khu di tích lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào cho biết, điều quan trọng nhất của một hướng dẫn viên du lịch đó là, phải thuộc hết các sự kiện lịch sử. Khi thuyết minh cho du khách nghe phải tự tin với giọng kể truyền cảm, uyển chuyển và phải có điểm nhấn với các mốc lịch sử quan trọng liên quan đến điểm di tích lịch sử. Để làm được điều đó tôi và các chị em hướng dẫn viên khác luôn không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm để đáp ứng tốt hơn khi trả lời các câu hỏi khó, câu hỏi sâu của du khách liên quan đến các điểm di tích.


Anh Lê Nhân Linh, Giáo viên Trường trung cấp An ninh 1, Hà Nội cho biết, đây là lần thứ 10 anh cùng các đoàn của nhà trường đến với Tân Trào, so với những năm trước thì điểm di tích lịch sử văn hóa hôm nay đã có nhiều đổi mới. Con đường liên xã đã được mở rộng thênh thang, các điểm di tích lịch sử cũng được tôn tạo và hấp dẫn hơn. Việc lựa chọn địa danh Tân Trào làm điểm đến tham quan du lịch không chỉ cho các em học sinh của trường có chuyến dã ngoại thú vị, giảm bớt căng thẳng mà còn có ý nghĩa giáo dục, nhắc nhở các em luôn nhớ và hướng về cội nguồn lịch sử, truyền thống vẻ vang của dân tộc.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục