Hoạt động của ngành

Nghệ An hướng tới "du lịch mua sắm"

Cập nhật: 06/10/2011 15:31:22
Số lần đọc: 1983
Khái niệm "du lịch mua sắm" vốn không mới với nhiều quốc gia trong khu vực nhưng với Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng vẫn còn khá xa lạ, mới mẻ.

Theo thống kê mới đây từ Tổng cục Du lịch, bình quân mỗi du khách chi tiêu trong một chuyến du lịch ở nước ta mới đạt từ 10 - 15% cho mua sắm, trong khi tỷ lệ đó của du khách ở Thái Lan và nhiều quốc gia khác trong khu vực đạt trên 51%. Với Nghệ An, nếu du khách về Cửa Lò hay lên Nam Đàn muốn mua một sản phẩm mang đặc trưng riêng là rất khó. Mặc dù tỉnh ta đã có nhiều sản phẩm về nông sản, hải sản, thủ công mỹ nghệ... nhưng hiếm có sản phẩm có thương hiệu "made in Nghệ An". Xin lấy ngay sản phẩm hàng lưu niệm từ vỏ ốc biển của Xí nghiệp Thanh niên Cửa Hội làm dẫn chứng. Phải nói rằng, mấy năm lại đây, sản phẩm lưu niệm từ ốc biển ở đây khá đa dạng, bắt mắt nhưng để chứng minh đâu là nét đặc trưng của Cửa Lò hay Cửa Hội là không dễ. Thêm nữa, sản phẩm làm quà lưu niệm lại thiếu nhãn mác, bao bì, trong khi đây là hàng dễ vỡ, cần được bảo quản cẩn thận cho du khách vận chuyển đi xa. Có thể giá thành sản phẩm sẽ tăng lên nhưng du khách vẫn sẵn sàng chấp nhận và yên tâm hơn. Chính nhãn mác, bao bì góp phần làm tăng giá trị sản phẩm và để lại ấn tượng khó quên cho du khách, sẽ trở thành thương hiệu cho sản phẩm.

 

Mặt khác, không chỉ thiếu về trưng bày giới thiệu sản phẩm mà việc quảng bá, tiếp thị sản phẩm bằng nhiều kênh cũng còn rất yếu trong khi tiềm năng về sản phẩm của Nghệ An rất đa dạng, phong phú. Về nông sản có nhiều loại hoa quả đặc sản như: cam Xã Đoài, bưởi Phúc Trạch, hồng Nam Anh, xoài Tương Dương...; các loại bánh, kẹo cu đơ, tương Nam Đàn, rượu Nghi Ân đã khá nổi tiếng. Về hải sản nước mắm như: Phương Cần, Vạn Phần, Cửa Hội... Về hàng thủ công mỹ nghệ có mây tre đan, chiếu cói, mộc mỹ nghệ, đá mỹ nghệ, tơ tằm, thổ cẩm... rất phong phú cả ở miền xuôi và miền núi. Những năm gần đây, Nghệ An còn du nhập thêm nhiều nghề mới như móc sợi, tranh thêu, sinh vật cảnh, chế tác ốc biển... Vậy nhưng để tìm mua một mặt hàng đảm bảo cả chất lượng và có số lượng lớn là khó khăn.


Nguyên nhân chính là người dân chưa ý thức đầy đủ về sản phẩm. Muốn chiếm được thị trường, nhất là phục vụ du lịch thì phải tập trung trau dồi tay nghề, đầu tư mẫu mã sản phẩm, đảm bảo chất lượng. Dù đã hơn 10 năm với nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước nhưng đến nay các nghề thủ công truyền thống cũng như các làng nghề, làng có nghề vẫn rất khó phát triển do khó khăn về vốn và chưa có nơi đặt hàng nhiều, nghĩa là khó từ đầu vào cho đến đầu. Bên cạnh đó, các khó khăn về giao thông, về tiếp thị sản phẩm, về giá cả thất thường của thị trường...cũng là những thách thức không nhỏ.

Nguồn: Báo Nghệ An

Cùng chuyên mục