Hành trang lữ khách

Tam Đảo(Vĩnh Phúc): Điểm du lịch lý tưởng của du khách

Cập nhật: 27/10/2011 09:38:35
Số lần đọc: 2409
Thiên nhiên đã thật ưu ái khi ban tặng cho riêng Tam Ðảo một vẻ đẹp hút hồn: vừa thơ mộng, u tịch, vừa hùng vĩ, huyền ảo…khiến khách du lịch dù lần đầu đặt chân đến ra về cũng vấn vương, lòng dặn lòng sẽ phải trở lại.

Với những thế mạnh trong phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh, nên trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vĩnh Phúc đến năm 2020 tầm nhìn 2030, Tam Đảo được xác định là quần thể hội tụ nhiều giá trị thiên nhiên và văn hóa đặc sắc để phát triển du lịch.

 

Nằm cách Hà Nội 80 km, Tam Ðảo là một dãy núi dài tới 50km, rộng chừng 10km. Đường lên đây dốc nghiêng nghiêng tựa vào sườn núi càng làm cho Tam Đảo cao vút, bồng bềnh. Có phải vì thế mà những đứa trẻ theo bố mẹ đi du ngoạn Tam Đảo trên cùng chuyến xe hôm đó với chúng tôi liên tục bịt tai cho khỏi bị ù, thi thoảng hét lên giọng đầy thích thú khi chiếc xe khách ngoằn ngoèo leo dốc.

 

Do nằm ở độ cao tới 1.685m so với mặt biển nên khí hậu Tam Đảo rất độc đáo, một ngày có đủ 4 mùa: buổi sáng se se gió xuân, buổi trưa nóng ấm mùa hạ, buổi chiều lãng đãng heo may mùa thu, buổi tối lạnh giá của đông. Nhưng cái lạ kỳ là kể cả những lúc buổi trưa nắng ấm, khói sương Tam Đảo vẫn cứ chờn vờn trên đỉnh núi rồi sà xuống những thảm cỏ, mắc trên những ô cửa sổ màu son của những resort mới mọc lên…tạo nên bức tranh thực thực hư hư. Phải chăng, vì thế mà tôi đã nghe nhiều người nói Tam Đảo như một Đà Lạt thứ hai của Việt Nam.

 

Đến Tam Đảo có nhiều nơi để thăm thú, từ trung tâm thị trấn, rẽ bên phải theo một con đường mòn, hút xuống thung lũng sâu, thác Bạc giấu mình trong núi, bí ẩn đổ xuống dòng nước trắng bạc, lóng lánh ánh mặt trời phản chiếu sắc cầu vồng. Một dòng suối nhỏ từ trên cao 30m ào ào tuôn nước, thả vào gió tiếng suối, tiếng rừng, tiếng lá dội vào vách đá nghe thâm u như tiếng ngàn xưa... Nếu thích mạo hiểm, hãy đi xa chút nữa tới đỉnh Rùng Rình, ở đây cây cối, núi non đẹp như trong cổ tích, có nhiều cây to mấy người ôm phủ đầy hoa phong lan, tiếng chim hót ríu rít vang động, bươm bướm bay rợp trời.

 

Tam Đảo còn có thế mạnh phát triển du lịch tâm linh. Áng chừng chưa đầy 10 km, nơi đây đã có tới 5 ngôi đền nổi tiếng như: Đền Thượng, Đền thờ bà chúa…nhưng có lẽ Trúc Lâm Thiền Viện - Tây Thiên thì không chỉ khách trong nước mà khách quốc tế cũng biết đến nhiều. Đây là một trong 3 thiền viện lớn nhất Việt Nam, nơi tu học của các tăng ni, phật tử. Thiền viện ẩn mình trong cây lá rừng Tây Thiên với những mái cong uốn lượn, mang đậm nét kiến trúc Á đông.

 

Theo Ban quản lý khu du lịch Tam Đảo, từ năm 2000 trở lại đây ngành du lịch Tam Đảo trên đà phát triển mạnh, khách du lịch trong nước và quốc tế đến ngày càng tăng cao. Trung bình mỗi tháng có trên 1000 lượt khách tới thăm quan, nghỉ dưỡng, chỉ tính riêng trong ngày 2/ 9/2011 có tới 1.500 lượt khách.

 

Điều đáng nói là mặc dù các hộ dân sống ở đây vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp, song họ đã tận dụng thế mạnh phát triển du lịch, nhiều người xây dựng các khách sạn, nhà nghỉ, resort để phục vụ khách. Còn phần lớn (gần 200 hộ dân) ở đây cũng biết tận dụng trồng cây su su (khai thác rau cắt ngọn) vừa tạo nên thương hiệu riêng cho rau Tam Đảo vừa tăng thêm nhiều lần thu nhập, đảm bảo cuộc sống.

 

Mới đây lãnh đạo 4 tỉnh thành: Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Nội đã thống nhất hợp tác để phát triển du lịch. Theo thỏa thuận, 4 tỉnh thành này sẽ cùng xây dựng các tour du lịch kết nối với thế mạnh chung là hoạt động du lịch sinh thái, tâm linh, lịch sử… Hy vọng với sự hợp tác này quần thể du lịch Tam Đảo sẽ là điểm đến đắt khách của du lịch miền Bắc trong tương lai gần./.

Nguồn: VEN

Cùng chuyên mục