Hành trang lữ khách

Về Đồng Giàn (Tuyên Quang) nghe hát Sình ca

Cập nhật: 01/11/2011 08:23:19
Số lần đọc: 1942
Cũng như nhiều dân tộc anh em khác, đồng bào dân tộc Cao Lan được sở hữu riêng những lời hát, điệu múa đặc trưng. Những năm gần đây, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Cao Lan đang dần được hình thành ở nhiều địa phương, trong đó có thôn Đồng Giàn, xã Đội Bình (Yên Sơn).

Nghệ nhân làng


Ở Đồng Giàn, mọi người gọi ông Lâm Văn Cầu là già làng. Còn ở xã Đội Bình, mọi người gọi ông là nghệ nhân. Bởi lẽ ông vừa là người biết chữ cổ của dân tộc Cao Lan, vừa là người thuộc nhiều nhất những bài hát truyền thống của đồng bào dân tộc mình và tích cực truyền dạy cho con cháu và những người cùng tuổi mà vẫn đam mê hát.

 

Ông Lâm Văn Cầu sinh năm 1945, giờ đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng vẫn nhanh nhẹn và hóm hỉnh. Là người được học chữ Nho từ nhỏ, lại yêu thích ca múa, ông tự sưu tầm những lời bài hát Cao Lan cổ rồi dịch ra chữ quốc ngữ.


Những bài múa cổ như múa Trống sành, múa cấp sắc cũng được ông tìm những người già cả trong làng học lại. Tham gia các buổi liên hoan dân ca từ những năm 90 của thế kỷ 20, ông Lâm Văn Cầu có mặt trong hầu hết các liên hoan tiếng hát dân ca từ huyện, tỉnh đến toàn quốc. Tại cuộc thi nào ông và những người dân Đồng Giàn cũng đều giành được thứ hạng cao. Đến nay, ông Cầu đã có gia tài vô giá là 5 quyển sách ghi lại lời bài hát, thường được gọi là 5 đêm hát bằng  tiếng Cao Lan là Sình ca tời ên; Sình ca tời ngời; Sình ca tời slam; Sình ca tời slơi; Sình ca tời há.


“Mùa văn nghệ” của người Cao Lan thường diễn ra từ tháng Mười đến hết tháng Hai âm lịch hàng năm. Mỗi đêm, người Cao Lan hát liên tục trong 10 tiếng đồng hồ, qua 1 đêm là hết 1 quyển hát. Ông Lâm Văn Cầu bảo: Những cuộc hát Sình ca của người Cao Lan đều có đề tài riêng. Thanh niên nam nữ thường mượn những cảnh đẹp của núi rừng quê hương, cảnh sinh hoạt hàng ngày, những câu chuyện cổ tích, thần thoại để nói lên tình yêu và ước vọng xây dựng cuộc sống vui tươi, hạnh phúc. Những đêm hát Sình ca là những đêm vui vẻ xóa đi sự mệt nhọc của bao ngày lao động vất vả. Bởi thế, hát Sình ca luôn có sức hút diệu kỳ đối với người Cao Lan. Những câu hát nhiều khi chỉ mộc mạc như:


Cây bị gãy vì tham lắm quả


Người có tội vì miệng nói ngoa


Quả ớt tuy cay ăn cả vỏ


Quả chuối tuy ngọt nhưng khi ăn vẫn phải bỏ vỏ ngoài


Vợ chồng dù xấu nhưng chung chăn gốI


Tình duyên dù đẹp vẫn có thể chia ly
.

 

Với mong muốn “gìn giữ cho các thế hệ của thôn Đồng Giàn mai sau”, nghệ nhân Lâm Văn Cầu còn dựa trên điệu Sình ca cổ để viết lời mới ca ngợi Đảng, Bác Hồ, vẻ đẹp của quê hương, đất nước và ca ngợi không khí hăng say lao động sản xuất của bà con dân tộc mình cho hợp với cuộc sống hiện nay. Có thêm lời mới, Sình ca hôm nay rộn ràng hơn, tươi tắn và dí dỏm hơn, nhưng vẫn mang hồn cốt của người Cao Lan. Lời hát giản dị mà đầy sức hấp dẫn:


Tạm biệt em ơi vui lên nhé


Ta về làm bạn với ruộng nương


Nắng sớm mưa chiều không quản ngạI


Bên ấy vẫn còn bạn vấn vương


Hai ta đã hứa hẹn cùng nhau


Phấn đấu đi đầu mọi phong trào


Quyết tâm vụ sau ta lại thắng


Đến hẹn lại lên hát cùng nhau


Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân gian Cao Lan


Tháng 9 vừa qua, Trung tâm văn hóa huyện Yên Sơn phối hợp với xã Đội Bình tìm những người biết chữ Nho, yêu những làn điệu dân ca dân vũ của dân tộc Cao Lan để thành lập nên Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân gian Cao Lan. Và ngay từ đầu, Câu lạc bộ đã có hơn 50 hội viên tham gia sinh hoạt, do nghệ nhân Lâm Văn Cầu làm chủ nhiệm. Câu lạc bộ chia thành 3 lớp riêng: lớp dạy chữ Nho, lớp học hát và lớp múa. Lớp dạy chữ Nho của Đồng Giàn giờ có 8 học viên, chủ yếu là nam thiếu niên tuổi từ 8 đến 14 tuổi. Lớp dạy các điệu múa truyền thống có 12 hội viên. Lớp dạy hát có gần 30 hội viên, trong đó có cả những hội viên đến từ các xã An Khê, Nhữ Khê sang cùng tham gia sinh hoạt.


Có mặt tại Đồng Giàn đúng buổi lớp học hát của những cụ ông cụ bà đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, các cụ bà với những hàm răng đen bóng, miệng móm mém nhai trầu nhưng đến khi hát vẫn cất lên những giọng hát mượt mà, ấm áp. Cụ bà Hoàng Thị Nuôi năm nay đã 70 tuổi nhưng vẫn đến lớp học đều đặn, không thiếu buổi nào. Bà Nuôi bảo, giờ đã ở tuổi xế chiều có Câu lạc bộ dạy hát múa như thế này chúng tôi cũng thấy mình như trẻ lại, ngày nào còn hát được thì chúng tôi còn tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ, để truyền lại tình yêu hát cho các con các cháu.

Cụ bà Sầm Thị Kế, năm nay đã 69 tuổi hóm hỉnh: Nếu Câu lạc bộ thành lập từ cách đây 10 năm thì tốt biết mấy, để chúng tôi có chỗ giao lưu, có chỗ đến để khoe giọng hát của mình. Em Trần Thu Hương sinh năm 2002, một học viên nhỏ tuổi nhất trong lớp học hát Sình ca vui vẻ nói: Cứ chủ nhật hàng tuần, chúng em được các bà các ông dạy cho những lời hát mới nên rất háo hức. Chúng em hy vọng sẽ thuộc thật nhiều bài hát hay để có thể hát mỗi dịp tết hay những ngày hội làng.

Năm 2009, đội dân ca Đồng Giàn được tặng giải C tại Liên hoan tiếng hát dân ca Việt Nam; năm 2010, tiết mục múa Cầu mùa dân ca Cao Lan của đội được trao giải Nhất trong Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VII tổ chức tại Phú Thọ. Cá nhân nghệ nhân Lâm Văn Cầu được Đài THVN tặng Bằng khen “Liên hoan tiếng hát dân ca Việt Nam”...

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục