Khai thác tiềm năng du lịch Cao Bằng
Với 332 km đường biên giới, Cao Bằng có các cặp cửa khẩu thông thương với tỉnh Quảng Tây-Trung Quốc là thị trường lớn về khách du lịch.
Cơ sở hạ tầng đang được tập trung đầu tư xây dựng, Các tuyến đường Quốc lộ cũng như Tỉnh lộ được nâng cấp, nhựa hóa. Các tuyến đường giao thông đến trung tâm xã, đến các khu, điểm du lịch đang được xây dựng và từng bước hoàn thiện.
Xác định du lịch là thế mạnh và tiềm năng của tỉnh, Tỉnh uỷ đã ban hành các Chương trình phát triển Du lịch như: chương trình phát triển các khu du lịch trọng điểm; Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015.
Trong những năm gần đây, các cụm du lịch đã và đang được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện và đưa vào khai thác phục vụ khách như: Khu di tích lịch sử Pác Bó; Khu du lịch động Ngườm Ngao; khu du lịch sinh thái hồ Thang Hen; Làng Tày cổ Khuổi ky; khu du lịch sinh thái Phja Oắc, Phja Đén. Đồng thời quan tâm đầu tư tu bổ, xây dựng các khu di tích lịch sử cách mạng, di tích lịch sử văn hoá như: Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo; Khu di tích Hoàng Đình Giong; Khu di tích chiến dịch Đông Khê; di tích đền Kỳ Sầm; Di tích đền Vua Lê; Di tích chùa Viên Minh; nâng cấp hệ thống giao thông đến các khu, điểm du lịch tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan. Bên cạnh đó, các loại hình văn hoá phi vật thể được bảo lưu và phát huy như: hát Then, Sli, lượn, đàn tính... Các làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển. Đi đôi với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút khách. Mở rộng hợp tác quốc tế, Du lịch Cao Bằng đã ký kết hợp tác du lịch song phương với các Công ty Du lịch thuộc tỉnh Quảng Tây- Trung Quốc khai thác nguồn khách du lịch hai bên có hiệu quả.
Tất cả những cố gắng đó đã tạo cho du lịch Cao Bằng có những bước tiến đáng khích lệ, lượng khách du lịch tăng bình quân từ 15-17%/năm; doanh thu tăng 17-20%/năm; tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân, tạo khả năng tiêu thụ sản phẩm tại chỗ cho hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy các thành kinh tế khác cùng phát triển; nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và cộng đồng dân cư trong giữ gìn, phát triển di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, việc bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch.
Mặc dù đạt được những kết quả trên nhưng các chỉ tiêu chủ yếu về lượng khách và doanh thu du lịch còn thấp chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của địa phương; cơ chế chính sách còn có mặt hạn chế, bất cập, thiếu đồng bộ; Quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm du lịch... còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển thực tế.
Với mục tiêu từ nay đến năm 2015 và những năm tiếp theo, trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Cao Bằng giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tổ chức thực hiện tốt Chương trình số 12-CTr/TU ngày 29/4/2011 của Tỉnh uỷ về phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015 và Kế hoạch số 973/KH-UBND ngày 31/5/2011 của UBND tỉnh về Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015; tập trung khai thác tài nguyên du lịch của Tỉnh, thu hút vốn đầu tư hoàn thiện hai khu du lịch trọng điểm: Khu di tích lịch sử Pác Bó và khu du lịch thác Bản Giốc-động Ngườn Ngao, coi đây là 2 khu du lịch trọng điểm của tỉnh, có tác động thúc đẩy phát triển các khu du lịch khác; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp các di tích tạo sản phẩm phục vụ khách; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch,...
Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng được nhu cầu của du khách, đồng thời tăng cường được sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch Cao Bằng trên thị trường. Dựa trên các đặc trưng văn hoá, các thế mạnh về sinh thái cảnh quan và các yêu cầu đòi hỏi của thị trường mà tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của vùng và của Cao Bằng. Xây dựng các tour du lịch sinh thái, du lịch văn hoá tâm linh gắn với các di tích lịch sử, lễ hội truyền thống. Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm lưu niệm của du lịch Cao Bằng.
Xác định rõ những lợi thế, khó khăn trong hoạt động kinh doanh du lịch, từ đó xây dựng chiến lược thị trường. Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức có tính hiệu quả, thiết thực như xây dựng Website chuyên ngành, tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng, tham gia hội chợ du lịch trong và ngoài nước, các ấn phẩm du lịch khác.
Đào tạo phát triển nguồn lực, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho nhân viên khách sạn, nhà hàng; tham mưu cho UBND tỉnh về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch của tỉnh, nhằm thu hút ngày càng nhiều dự án thiết thực, hiệu quả và có quy mô lớn đầu tư vào du lịch Cao Bằng;
Du lịch Cao Bằng tiếp tục bám sát chương trình công tác của Tổng cục Du lịch và của Tỉnh. Nâng cao hiệu quả phối hợp với các cơ quan ban ngành hữu quan, với các tỉnh trong khu vực đã ký kết hợp tác phát triển du lịch. Từng bước hiện thực hoá những nội dung hợp tác đã ký kết với các Tỉnh, Thành phố; Nâng cao tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế, đưa du lịch Cao Bằng phát triển thành ngành kinh tế quan trọng có quy mô và hiệu quả kinh tế cao, tương xứng với tiềm năng du lịch của tỉnh, hỗ trợ và thúc đẩy các ngành kinh tế-xã hội khác cùng phát triển, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Cao Bằng