5 "nhất" ở nhà ga Việt Nam đẹp nhất Đông Dương
Ga Đà Lạt là nhà ga đầu mối trên tuyến Đường sắt Phan Rang - Đà Lạt dài 84 km. Công trình do hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Reveronthiết kế. Người thi công công trình là thầu khoán Võ Đình Dung, với kinh phí xây dựng là 200.000 france.
Nhà ga được xây dựng từ năm 1932 đến 1938 thì hoàn thành. Như vậy, cùng với nhà ga Hải Phòng (hoạt động từ năm 1902) đây là nhà ga cổ nhất Việt Nam và Đông Dương.
Nằm trên độ cao 1.500m so với mặt nước biển, ga Đà Lạt được coi là nhà ga cao nhất ở Việt Nam. Đồng thời, nhà ga này cũng là nơi duy nhất có đầy tàu chạy bằng hơi nước ở Đông Dương.
Xét về mặt thẩm mỹ, ga Đà Lạt là trường hợp đầu tiên người ta đã đưa cả yếu tố mỹ thuật kiến trúc và ý nghĩa của công trình vào việc xây một công trình có tính kỹ thuật. Vì thế, ga Đà Lạt trở thành một công trình kiến trúc vừa đẹp vừa độc đáo nhất ở trong nước.Năm 2001, nhà ga này được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích kiến trúc cấp quốc gia.
Kiến trúc của ga Đà Lạt là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây với kiến trúc nhà rông Tây Nguyên. Hình dạng của nó giống như dãy núi Lang Bian hùng vĩ với chiều dài 66,5m, chiều ngang 11,4m và chiều cao 11m. Tuy nhiên, ga Đà Lạt cũng mang nét kiến trúc Pháp bởi có mái và hai đầu mái uốn vòm. Nếu nhìn từ phía bên hông, ta sẽ thấy 3 mái nhọn nhô ra ở phía trên đầu, rồi thụt vào ở phía chân, nhưng luôn theo kiểu thẳng đứng. Nhìn từ mặt trước, nhà ga có ba chóp nhọn tam giác tượng trưng cho ba đỉnh núi Lang Bian, còn các mái ngói ở chân tam giác ngoài xiên ra như chân sườn núi.
Kể từ khi có nhà ga Đà Lạt, số lượng khách du lịch đến với thành phố du lịch và nghỉ dưỡng này ngày càng nhiều. Khi đó, trên mỗi chuyến tàu, ngoài toa vận chuyển hàng hóa còn có 3 toa chở khách và những toa chở khách này cũng được phân ra theo 3 hạng khác nhau.
Sau khi người Pháp rời Việt Nam, việc chạy tàu từ Đà Lạt đi Tháp Chàm vẫn được duy trì. Đến thời Mỹ chiếm đóng, tuyến đường sắt này chủ yếu phục vụ việc vận chuyển thiết bị cho chiến tranh nên đã bị quân giải phóng cắt đứt và nhà ga này ngừng hoạt động năm 1972. Sau giải phóng, tuyến đường sắt này được khôi phục và chính thức kéo còi vào ngày 19/5/1975, nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Bác.
Hiện, ga Đà Lạt không còn sử dụng để vận chuyển mà là nhà ga phục vụ du lịch. Với tuyến đường 7km, tàu sẽ đưa du khách khám phá phố núi. Tuy chạy tốc độ rất chậm và đầu tàu kêu to, thế nhưng, đây chính là điểm hấp dẫn của nhà ga phục vụ du khách tham quan ngắm cảnh trên đường đi.