Hành trang lữ khách

Nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc người Pà Thẻn

Cập nhật: 10/11/2011 15:06:58
Số lần đọc: 1865
Hơn 2 tiếng đồng hồ, từ thành phố Hà Giang chúng tôi đã đến được Làng văn hóa dân tộc Pà Thẻn, thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình.

Đây là thôn có điều kiện khá thuận lợi vì có đường giao thông đi qua, dọc theo quốc lộ 279, dưới chân núi Bắc Vì, bên bờ thủy điện sông Bạc cách trung tâm huyện Quang Bình 12 km. Thôn này được chia làm 3 bản nhỏ, có cảnh quan thiên nhiên đẹp, đường giao thông thuận lợi vì vậy rất có điều kiện để phát triển du lịch.

 

My Bắc là một làng thuần nhất dân tộc Pà Thẻn sinh sống, người Pà Thẻn có tên gọi khác là người Pạ Hưng, người Pà Thẻn có 8 họ tượng trưng cho 8 anh em, người anh cả mang họ Sìn, sau đến Làn, Ván, Hủng, Tẩn, Lừu, Phù và cuối cùng người em út mang họ Tải. Khi tìm hiểu về nguồn gốc của người Pà Thẻn tôi được biết: cho đến nay, kể cả già làng cũng không còn ai nhớ chính xác điểm xuất phát của họ có từ đâu, chỉ nghe người già truyền lại rằng xưa kia có một tượng gia phả của họ rất to và sinh sống ở gần biển kéo dài đến ngã ba sông (từ Trung Quốc đổ về) và chân núi Hùng Sợ nay là Hoàng Liên Sơn, trước đây người Pà Thẻn rất đông người không ai còn nhớ con số chính xác nữa nhưng họ có rất nhiều họ khác nữa, nhưng do cuộc sống khó khăn không tìm được thức ăn và chiến tranh giữa các bộ tộc họ phải di dời đi tìm miền đất mới, trên đường đi họ bị chặn giết tại ngã ba sông chết rất nhiều, họ phải chia ra thành nhiều nhóm di chuyển theo nhiều đường khác nhau, cuối cùng tụ họp lại chỉ còn sống sót 8 anh em là 8 họ gây dựng lại đời sống ngày hôm nay, trên đường đi vất vả họ phải để lại gia phả của mình một phần bên kia biển, phần còn lại bên này biển họ sống rất sum vầy hòa thuận. Con người nơi đây sống chân thật, mộc mạc, những ai có dịp đến đây sẽ được tìm hiểu và khám phá những nét văn hóa, phong tục tập quán mang đậm đà bản sắc dân tộc thể hiện qua trang phục, ma chay, cưới hỏi, lễ hội và đặc biệt sẽ được học cách dệt các bộ trang phục rực rỡ, được hòa mình vào lễ hội nhảy lửa, lễ kéo chày... vv những nét văn hóa truyền thống có từ lâu đời đó đã hình thành nên bản sắc văn hóa riêng biệt độc đáo.

 

Đến với làng văn hóa du lịch cộng đồng của người Pà Thẻn chúng tôi được tận mắt ngắm nhìn bóng dáng yêu kiều của các cô sơn nữ trong bộ trang phục truyền thống rực rỡ ngồi bên khung cửi dệt thổ cẩm, thể hiên sự miệt mài, khéo léo của người phụ nữ. Trang phục truyền thống người Pà Thẻn có những nét rất riêng, có giá trị thẩm mỹ cao, đặc sắc được thể hiện bởi sự kết hợp muôn mầu và những nét hoa văn độc đáo với sự trang trí bằng nhiều kiểu dáng khác nhau, mỗi bộ trang phục được thể hiện phân biệt theo lứa tuổi, trang phục cho trẻ em, thiếu nữ, cô dâu, gái có chồng, chưa có chồng, người già cũng được phân biệt rõ rệt, không chỉ có thế, cách trang điểm của người phụ nữ Pà Thẻn kết hợp với cách ăn mặc tạo nên nét văn hóa riêng của họ. Xuất phát từ quan niệm màu đỏ là màu lửa, màu của ánh sáng, thần lửa là vị thần thiêng liêng nhất của dân tộc, người phụ nữ Pà Thẻn lấy màu đỏ là màu chủ đạo trên trang phục kết hợp với những vải trắng và đen, xen kẽ những đường hoa văn với các màu xanh, vàng v.v. tạo nên các bộ trang phục hài hòa tương phản giữa khung cảnh núi rừng thiên nhiên hùng vĩ. Những trang phục rực rỡ kết hợp với ánh bạc của đồ trang sức như vòng bạc, cặp ba lá khăn vấn đầu làm cho khuôn mặt người phụ nữ Pà Thẻn thêm rạng rỡ.

 

Đời sống tinh thần của người Pà Thẻn là một kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng thể hiện qua các làn điệu giao duyên của thanh niên nam nữ trong giai đoạn tìm hiểu, những điệu múa bát, múa mừng, những bản tình ca đôi lứa sẽ xoa dịu đi nỗi nhọc nhằn sau những ngày làm việc vất vả, bài hát bất hủ nổi tiếng của người Pà Thẻn đó là bài: Hội Cầu Lửa “hội cầu lửa thiêng tháng 10, người Pà Thẻn mừng cơm mới, đốt ngọn lửa thiêng đêm nay ta thắp nên những ước mơ, đêm trăng cao nguyên như huyền thoại, tiếng trống, tiếng chiêng ngân xa, giục đàn trai giục đàn gái nhảy quanh ngọn lửa, ngọn lửa thiêng sẽ sáng mãi hố la hố la hố, cha dạy cho em không run sợ hố la hố la hố, ngọn lửa cho ta cả sức sống mới, núi cao suối reo ta hát câu ân tình, mẹ may cho em áo váy mới hố la hố, cha dạy cho em không run sợ hố la hố la hố, núi cao suối sâu hát câu ân tình lả ni ơi lửa thiêng ơi, lả ni ơi núi rừng ơi”...

 

Nói đến người Pà Thẻn không thể không kể đến lễ hội nhảy lửa hết sức độc đáo thiêng liêng, huyền bí, người Pà Thẻn có các lễ truyền thống như: lễ cầu mưa, lễ cầu tạnh, lễ cúng cơm mới, lễ cúng thần săn bắn, lễ kéo chày nhưng tiêu biểu nhất là lễ nhảy lửa, lễ hội nhảy lửa thường diễn ra vào những lúc nông nhàn được bắt đầu vào ngày 16/10 âm lịch năm trước đến 15/1 âm lịch năm sau, trong đời sống tinh thần, người Pà Thẻn luôn có quan niệm xung quanh họ luôn có các vị thần che chở, đùm bọc, giúp đỡ họ vượt qua nguy hiểm, hoạn nạn để tồn tại và mưu sinh. Đối với người Pà Thẻn vị thần tối cao nhất là thần lửa và ngon lửa mang lại sự may mắn cho họ, vì vậy khi lễ hội nhảy lửa diễn ra thì tất cả mọi người trong làng đều có mặt để hò reo cổ vũ, có khoảng 8 đến 10 người tham gia chính, là những thanh niên khỏe mạnh trong làng, đầu tiên thầy cúng làm lễ cúng xin thổ công, thổ địa cho được phép nhảy lửa bài cúng kéo dài 30 phút sau đó là lễ cúng thần lửa kéo dài 30 phút, cùng lúc đó đống lửa to được đốt nên tạo thành một ngọn lửa to và mạnh mẽ, khi đống lửa đã cháy thành than rực hồng cùng với sự điều khiển của thầy cúng các thành viên lần lượt ngồi trước mặt thầy cúng nhận sức mạnh và nhảy vào ngọn lửa đạp lửa bắn tung tóe trong tiếng hò reo cổ vũ của mọi người mà không hề bị bỏng, theo gia phả người Pà Thẻn thì việc nhảy lửa là để truyền dạy lại cho con cháu đời sau các bài cúng, xua đi nỗi sợ hãi chỉ những người mạnh mẽ mới nhảy được vào đống lửa thiêng, cho đến giờ đây đó vẫn còn là điều bí ẩn, thu hút sự tìm hiểu, nghiên cứu của nhiều du khách và các nhà nghiên cứu nhưng câu trả lời vẫn còn là một ẩn số.

 

Cưới hỏi của người Pà Thẻn cũng hết sức đặc sắc, theo truyền thống xưa khi trai gái Pà Thẻn tìm hiểu nhau khi gặp mặt không phân biệt trai đến nhà gái trước hay gái đến nhà trai trước, nếu bên trai đến trước thì họ phải xin phép hộ gia đình nào đó trong làng cho phép họ được tìm hiểu taị gia đình đó, khi đi bên trai có 2 người thì bên gái phải bố trí 3 người và ngược lại nếu bên gái đến bên trai thì bên gái đến 2 bên trai phải bố trí 3 người nhưng 3 trai không được trùng họ với nhau và 2 gái cũng không được trùng họ nhau, gia đình sẽ chuẩn bị cho một chiếc ghế dài và củi để đốt cho trai gái tìm hiểu, sau bữa tối gia đình đi ngủ nhường lại bếp lửa cho thanh niên, trên một chiếc ghế băng dài từng cặp ngồi xen kẽ sao cho mỗi cặp trai và gái không được trùng họ, sau một thời gian tìm hiểu nếu hợp nhau họ sẽ thông báo cho gia đình tổ chức, khi ăn hỏi hai gia đình phải trải qua ba hoặc bốn lần gặp mặt rồi mới đến kết hôn. Lễ vật kết hôn cũng là một điều đáng nói, gồm có 8 con gà thiến, 20 lít rượu, 10kg gạo nếp, 50kg lợn, ba mươi đồng bạc (đây là mức chung, có nhà mười đồng, có nhà ba tám đồng, cũng có khi lên tới bốn năm mươi đồng). Trước khi nhà trai tới rước dâu đêm hôm trước nhà gái cúng một đêm để cắt họ, hôm sau khi nhà trai rước dâu thì nhà trai cũng phải cúng nhập dâu để hợp nhất thành chủ, cô dâu phải dùng khăn che mặt ngồi một chỗ cho tới khi tối đi ngủ mới được bỏ ra. Người Pà Thẻn có truyền thống chung thủy một vợ một chồng từ xa xưa họ đã có một lời nguyện thề nếu đã làm vợ chồng thì làm mãi mãi, chính vì vậy lịch sử người Pà Thẻn từ xưa đến nay không được phép ly hôn, kể cả khi lấy vợ sinh con mà không có người nối dõi (con trai) vẫn không được phép đi lấy vợ khác bởi vì người Pà Thẻn khi kết hôn luôn luôn vợ và chồng không cùng họ, vì vậy tục nối dõi lưu truyền trong tất cả những người mang họ đó họ chứ không phải trong một gia đình, bởi thế mà người Pạ Hưng không bao giờ bị mất họ.

 

Tìm hiểu ma chay của người Pà Thẻn chúng tôi còn thấy đặc biệt hơn, ma chay của họ được chia làm 3 dạng: dạng thứ nhất từ 1 đến 18 tuổi khi mất họ cúng nghi lễ cúng thả về trời bằng cách deo sợi dây dài khoảng 1m theo đường thẳng về mâm cơm sợi dây có một gạch, cùng với một cây gậy tượng trưng cho vực thẳm lấy sợi dây đó buộc một đầu vào cây gậy cho hồn người chết được thả về với tổ tiên. Dạng thứ hai đối với người có gia đình và người già họ có một lễ cúng đưa đường dẫn linh hồn đến với tổ tiên. Dạng thứ ba trên mười tám tuổi chưa có gia đình tùy theo gia đình lựa chọn làm theo nghi lễ của người có gia đình hoặc trẻ con, nhưng trước khi cúng thầy cúng cần xác định xem gia phả người chết ở bên này biển hay bên kia biển để có bài cúng riêng. Người Pà Thẻn xưa kia không khâm niệm xác chết tại nhà mà dùng một cây gậy buộc xác chết sau đó đem ra huyệt khâm niệm rồi mới đưa vào áo quan để chôn, thủ tục cúng người chết được thực hiện sau khi đã chôn cất xong, hàng năm họ không làm giỗ vì họ quan niệm người chết đã về cùng tổ tiên nên không cần làm giỗ và cũng không để ảnh thờ, cũng không thờ bát hương.

 

Kiến trúc nhà của người Pà Thẻn xưa kia là kiểu nhà nửa sàn nửa đất cổ, nay còn lưu giữ lại nhà đất cổ, trong nhà họ chỉ thờ duy nhất một bát hương gia phả, nếu trong nhà có người làm nghề thầy mo thì có thêm một bát hương nữa gọi là bát hương tổ tiên, bát hương này chỉ khi đi cúng về mới được thắp hương kèm theo lễ vật nhà chủ biếu thầy mang về báo cáo thành tích với tổ tiên, cạnh bát hương có một bát đựng nước và một bát khác úp bát nước đó lại.

 

Ẩm thực của người Pà Thẻn cũng khá phong phú, các món đặc biệt là thịt trâu muối treo khô, thịt lợn muối treo khô, bánh sừng trâu, cơm ngũ sắc, noãn cọ, noãn mây, cá sông nướng...vv những món ăn được chế biến hết sức đơn sơ cùng với sự nhiệt tình cởi mở chắc chắn sẽ mang lại sự ngon miệng cho người thưởng thức. Người Pà Thẻn đặc biệt rất hiếu khách, khi khách đến nhà ăn cơm, ăn xong khách không được dọn mâm bởi họ quan niệm như vậy là khách đến lần cuối và chủ nhà tiếp đón chưa chu đáo... Có thể nói những bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống dân tộc Pà Thẻn sẽ làm cho các bạn gần xa thích thú.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục