Hành trang lữ khách

Đến Sa Pa trải nghiệm Homestay

Cập nhật: 11/11/2011 14:56:05
Số lần đọc: 1944
Trời mưa phùn rả rích khiến thị trấn Sa Pa mù mịt, tôi lo lắng ngần ngại cho lịch trình du lịch bản làng đã hẹn trước. Trong khi còn phân vân, tôi gặp nhiều tốp khách du lịch nước ngoài đang dạo chơi trên những con phố cổ kính dù trời đang mưa lây rây. Tôi nhủ lòng mình hãy thử một lần hòa cùng những người khách phương xa du lịch bản trong tiết trời se lạnh để thấy cái thú được đắm mình trong thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống của những người dân tộc thiểu số sinh sống dưới chân dãy Hoàng Liên hùng vĩ.

Đường xuống các xã vùng hạ huyện Sa Pa sau một đêm mưa khó đi hơn bởi những vũng nước to và dòng sỏi đá trôi từ trên núi xuống theo khe nước. 9 giờ, nhiều xe ô tô chở khách du lịch bắt đầu khởi hành từ thị trấn, cũng có những đoàn khách mặc áo mưa đi bộ từ đây. Qua Lao Chải, chúng tôi xuống xã Tả Van - nơi có những bản người Mông, Dao, Giáy biết làm du lịch và cũng là một trong những điểm đến của du khách ưa thích loại hình du lịch cộng đồng. Xã Tả Van hiện có hơn 40 hộ kinh doanh theo hình thức lưu trú tại gia (homestay).

Đã gần trưa, mưa nặng hạt hơn, thấy tôi có vẻ ái ngại, anh Lục Văn Lợi, một hộ dân ở thôn Tả Van Giáy bảo: "Khách du lịch nước ngoài không ngại mưa đâu, chỉ một lát nữa, chị sẽ thấy nhiều đoàn khách đi bộ qua đây". Quả thật, những du khách nước ngoài có hướng dẫn viên bắt đầu đổ bộ từ bên kia cầu Tả Van tỏa vào các thôn.

Theo chân các du khách, chúng tôi vào thôn Tả Van Giáy - một thôn có nhiều hộ gia đình kinh doanh du lịch. Nhà anh Lục Văn Lợi cũng vừa có một đoàn khách quốc tịch Anh đi bộ từ Lao Chải xuống nghỉ ngơi và ăn trưa. Đây là đoàn khách thuộc một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì người nghèo, tham gia du lịch tình nguyện tại Lao Chải và Tả Van. Trước đó, đoàn xuống xã Lao Chải và vào trường học phát sách cho học sinh. Mặc dù trời mưa, đoàn khách này vẫn tiếp tục lịch trình xuống một trường học ở Tả Van phát sách, sau đó mới về nhà anh Lợi ăn trưa. Bà Lý Thị Lìn, mẹ anh Lợi và cũng là chủ hộ kinh doanh đã nắm được lượng khách thông qua hướng dẫn viên để chuẩn bị món phở nóng hổi. Không cầu kỳ ăn uống kiểu "mâm cao, cỗ đầy", với một bát phở thịt lợn, mấy chai nước ngọt, gia đình người Giáy này vẫn tạo được bữa ăn vui vẻ cho khách.

Là hộ thứ hai trên địa bàn xã mở dịch vụ lưu trú, gia đình bà Lìn có căn nhà gỗ hai tầng, một gác lửng có thể phục vụ cho 30 khách nghỉ. Trong nhà trang trí một số vật dụng tiêu biểu cho sản phẩm, nét sinh hoạt văn hóa của các dân tộc Tây Bắc. Những bó lúa khô, một vài trang phục Tày, Giáy, Mông… được treo trên vách. Chỉ cần một cái đệm, một bộ chăn gối, cái màn, những vị khách có thể ngủ tại đây với giá trung bình 70.000 đồng/đêm/khách. Trung bình mỗi ngày, gia đình bà Lìn đón 2 khách du lịch, chủ yếu là khách nước ngoài. Bà bảo: "Đa phần khách nước ngoài thích du lịch bản làng, tham quan phong cảnh và đi bộ, tìm hiểu văn hóa dân tộc, họ không coi trọng chỗ ăn, nghỉ lắm, nên phục vụ cũng đơn giản". Người dân Tả Van rất nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của khách du lịch. Thật dễ hiểu khi số hộ kinh doanh lưu trú tại nhà ở đây nhiều nhất huyện với lượng khách trung bình 200 - 300 khách lưu trú trong ngày (không kể khách qua trong ngày). Thu nhập từ du lịch đã mở ra hướng xóa đói, giảm nghèo cho nhiều hộ dân người Mông, Giáy, Dao. Họ nhìn nhau làm, sửa nhà cửa, học nấu ăn và học tiếng Anh để phục vụ khách. Có lẽ vì thế, trong câu chuyện giữa Lợi và nhóm bạn người Dao, Mông, tôi thấy họ thỉnh thoảng nói bồi mấy câu tiếng Anh.

Ngồi trên gác hai của ngôi nhà sàn gỗ nhìn ra xung quanh, tôi cảm nhận bản người Giáy Tả Van thật yên bình ven con suối Mường Hoa. Những thửa ruộng bậc thang sau mùa thu hoạch còn thơm mùi rạ, chỉ có ngô hè thu đang thời kỳ chắc hạt xanh rì trên sườn đồi.

        Du khách xuống nghỉ ngơi và ăn trưa tại một gia đình người Giáy.

Thật thú vị khi tôi được chủ nhà thết đãi một bữa ăn khá thịnh soạn với lợn đen và thịt vịt địa phương. Vịt nuôi ở Tả Van nổi tiếng là ngon và có giá đắt ngất ngưởng bởi bà con bán 200.000 đồng một con (bất kể to hay bé). Trong tiết trời se lạnh, thưởng thức miếng thịt vịt luộc chấm với nước tương pha tỏi ớt, nhâm nhi chén rượu thóc Thanh Kim, thật chẳng có gì bằng. Anh Phạm Văn Thảo - một hướng dẫn viên tự do đã nhiều năm gắn bó với vùng du lịch Sa Pa, có vẻ thân thiết với chủ nhà bởi mỗi tháng đưa khách du lịch lên đây một lần. Anh bận rộn cùng chủ nhà phục vụ khách và luôn hướng dẫn, giới thiệu nét văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người Giáy Tả Van. Anh Thảo cho biết: "Tả Van là xã có làng người Giáy, người Mông và Dao với văn hóa đặc trưng khác nhau, nên nhiều khách du lịch thích tới đây. Những gì mộc mạc, đơn sơ là thứ hấp dẫn khách nước ngoài nhất". Trước khi xuống đây, tôi có nghe chuyện một doanh nghiệp mỗi tháng bỏ ra gần 40 triệu đồng để duy trì hoạt động của một đội văn nghệ phục vụ du khách vào buổi trưa mỗi ngày. Du khách có thể đến nhà cộng đồng Tả Van xem biểu diễn văn nghệ miễn phí. Doanh nghiệp này còn liên kết với một số hộ dân tổ chức homestay. Đây là hình thức làm phong phú thêm sản phẩm du lịch ở địa phương, vừa tạo được uy tín cho doanh nghiệp. Nếu không có cơn mưa, tôi đã không phải bỏ lỡ dịp thưởng thức buổi văn nghệ đậm đà bản sắc này.

"Điều khách du lịch không hài lòng là sự đeo bám bán hàng lưu niệm của người dân địa phương" - anh hướng dẫn viên Thảo chia sẻ với tôi. Quả thật, thấy có khách, trước ngõ nhà bà Lìn đã có một nhóm phụ nữ dân tộc Mông đứng ngoài, nhưng họ không dám mời chào dai dẳng như trước. Được biết, chính quyền địa phương đang nỗ lực giải quyết thực trạng bán hàng rong đeo bám này. Có thể còn nhiều khó khăn, nhưng đây là động thái tích cực nhằm tạo hình ảnh đẹp về Sa Pa trong du khách.

Chia tay gia đình làm du lịch ở Tả Van Giáy, tôi tiếp tục gặp những đoàn khách đi sâu vào các thôn. Nhớ tới câu nói của chủ nhà: "Bây giờ mới là mùa đón khách du lịch nước ngoài, phục vụ vất vả một chút, nhưng vui", trong tôi thầm mong những người kinh doanh du lịch ở Tả Van luôn đông khách và nhanh trở thành hộ giàu.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục