Non nước Việt Nam

Mỹ Lộc (Nam Định) bảo tồn và phát huy các giá trị di tích

Cập nhật: 14/12/2011 15:31:37
Số lần đọc: 3983
Là vùng đất cổ, huyện Mỹ Lộc có hàng trăm công trình kiến trúc độc đáo gồm: đình, chùa, miếu, nhà thờ, từ đường dòng họ... Trong đó, có nhiều di tích được Nhà nước xếp hạng, như: Đền Bảo Lộc, Đền Lựu Phố (xã Mỹ Phúc); Đình Cao Đài (xã Mỹ Thành); Đình Sùng Văn (xã Mỹ Thuận); Đình Cả (xã Mỹ Trung)…

Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc). Ảnh: Internet

Bên cạnh yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, các di tích và quần thể di tích trên địa bàn huyện mang ý nghĩa tôn vinh, thể hiện sự tri ân công đức của các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công khai hoang, mở đất, đấu tranh bảo vệ quê hương, có tác dụng giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Những năm qua, huyện Mỹ Lộc luôn chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích. Đối với các di tích được Nhà nước xếp hạng, chính quyền các cấp đều thành lập ban quản lý di tích, có quy chế, tổ chức và hoạt động theo tinh thần Quyết định 681 của UBND tỉnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân địa phương làm tốt công tác kiểm kê, chống xuống cấp, phát huy giá trị di tích. Ban quản lý di tích ở các xã, thị trấn trong huyện tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, giúp nhân dân và khách tham quan hiểu giá trị của di tích. Từ nguồn kinh phí tôn tạo di tích hàng năm của Nhà nước, các di tích được tôn tạo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và giữ được kiến trúc gốc. Tiêu biểu như Đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc được Bộ VH, TT và DL xếp hạng Di tích cấp Quốc gia. Đây là một trong 6 di tích của xã Mỹ Phúc thuộc Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Trần được đầu tư tôn tạo. Đền Lựu Phố vốn là căn cứ địa trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII; được xây dựng trên địa danh cổ Lựu Viên. Tuy đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng Đền Lựu Phố vẫn bảo lưu được phong cách kiến trúc cổ. Hiện, đền còn lưu giữ được 4 chân tảng đá cánh sen kép, chạm khắc tinh xảo mang phong cách nghệ thuật thời Trần. Lễ hội Đền Lựu Phố được tổ chức vào mồng 7 tháng 7 âm lịch hàng năm. Ngoài các nghi thức dâng hương, tế lễ, rước kiệu lễ hội Đền Lựu Phố còn có nhiều trò chơi như: tổ tôm điếm, đánh cờ, đấu vật, hát chèo…

 

Nghiên cứu di sản văn hoá Trần ở Nam Định nói chung và vùng đất huyện Mỹ Lộc nói riêng rất phong phú và đậm dấu ấn thời Trần như: sản phẩm gốm hoa nâu, ngói, đầu rồng, đồ sành sứ… Đặc biệt, trong thời gian qua, Sở VH, TT và DL phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành thám sát khai quật khu vực các di tích Hậu Bồi, Vạn Khoảnh, Lựu Phố, Đệ Tam Tây, phát hiện hàng vạn di vật có niên đại và tầng văn hoá kéo dài từ thế kỷ XIII-XIX, như gạch lát nền hình vuông có chữ “Vĩnh Ninh Tường”, các loại ngói mũi lá, ngói mũi sen kép, ngói cong; dấu tích các bờ kè đá, nền sân, nền gạch; xuất lộ dấu tích kiến trúc mới như dải hoa chanh, các ô vuông bát giác dạng bồn hoa, các móng trụ… bước đầu nhận diện về kiến trúc cung Trùng Hoa của các vua Trần. Với hiện trạng nói trên, các di vật vừa được phát hiện có ý nghĩa khoa học lớn về một mặt bằng kiến trúc hiếm, có niên đại chuẩn của thời Trần.

 

Với sự quan tâm và quản lý chặt chẽ từ huyện đến cơ sở, công tác tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích ở Mỹ Lộc đạt nhiều kết quả tích cực. Nguồn kinh phí được sử dụng đúng mục đích; công tác tu sửa được tiến hành đúng nguyên tắc phục chế, nâng cao giá trị di tích./.

Nguồn: Báo Nam Định

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT