Hoạt động của ngành

Đánh thức du lịch xứ Mường

Cập nhật: 19/12/2011 10:27:48
Số lần đọc: 3230
Nhắc đến du lịch ở Lào Cai, người ta thường nhắc đến các địa danh Sa Pa, Bắc Hà nhiều hơn. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, bên cạnh những điểm du lịch đó, nhiều du khách trong và ngoài nước còn thích thú tìm đến một vùng khí hậu á nhiệt đới mát mẻ với nhiều nét đẹp thiên nhiên và bản sắc văn hóa tiềm ẩn chưa khám phá hết được. Đó là Mường Khương với những bản làng người dân tộc Mông, Nùng, Dao, Tu Dí, Pa Dí... bình yên dưới chân núi Cô Tiên.

Thị trấn Mường Khương hôm nay.

Từ ngã ba Bản Phiệt (Bảo Thắng), dọc theo Quốc lộ 4D ngược lên khoảng 50 km, con đường nhựa uốn lượn mềm mại như dải lụa men theo sườn núi đưa tôi qua các xã Bản Lầu, Lùng Vai, Thanh Bình mướt xanh nương ngô, đồi chè đến với thị trấn Mường Khương. Không biết từ bao giờ, nơi đây đã được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho khí hậu mát quanh năm. Từ triệu năm trước, trong những cuộc vận động tạo sơn của vỏ trái đất đã hình thành trên dải đất này những dãy núi đá vôi với muôn vàn hình thù kỳ lạ. Núi Cô Tiên cao chót vót, nhọn hoắt sừng sững tựa cột thép trụ trời án ngữ cửa ngõ Mường Khương. Những dải núi hình răng cưa bao quanh tạo ra bức tường thành khổng lồ ôm ấp lấy thị trấn vùng biên ải. Cũng trong lòng núi ấy, từ triệu triệu năm trước, thiên nhiên đã kiến tạo nên hệ thống hang động "độc nhất vô nhị" của Lào Cai. Nơi lòng hang mát lạnh, từng giọt nước tí tách chắt lọc từ lòng đá mẹ nhỏ xuống, qua thời gian bào mòn hình thành những phiến đá nhẵn bóng, những nhũ đá lấp lánh đủ mọi hình dáng đẹp như mê cung. Hành trình tiếp theo của hàng vạn dòng nước nhỏ mang theo khao khát tự do từ lòng hang động chảy ra, uốn khúc quanh những khu rừng thông xanh thẳm, tung bọt trắng xóa qua những ghềnh đá cheo leo và đổ từ trên cao xuống làm nên những thác nước kỳ thú. Động Hàm Rồng, hang Na Măng, thác Tà Lâm, cầu Sao Đỏ... là những kiệt tác mà thiên nhiên ban tặng Mường Khương, hằng năm thu hút hàng nghìn du khách, nhất là vào dịp nghỉ hè. Thiên nhiên Mường Khương hoang sơ kỳ thú, iều đáng nói hơn cả là con người Mường Khương - đất thép tuy giản dị nhưng vừa kiên cường, nghị lực, vừa mang trong mình nhiều nét đẹp của bản sắc truyền thống. Mường Khương có 14 dân tộc anh em sinh sống, trong sự giao thoa văn hóa, mỗi dân tộc lại có trang phục truyền thống riêng, kiến trúc nhà ở và những phong tục riêng. Mùa xuân, ai lên Mường Khương không thể bỏ qua lễ hội Say Sán của người Mông ở Pha Long mà đến nay vẫn giữ nguyên vẹn những nét cổ truyền; vào những thời điểm khác là lễ hội cúng rừng (Cấm bang), lễ mừng cơm mới, đám cưới, đám ma khô của nhiều dân tộc... Trong kho tàng văn hóa phi vật thể quý báu vùng Tây Bắc, Mường Khương tự hào có điệu múa khèn, múa sinh tiền uyển chuyển, tiếng hát giao duyên thắm đượm tình người của chàng trai, cô gái dân tộc Mông; điệu múa ngỗng, múa ngựa khỏe khoắn, đầy tinh thần thượng võ của người Nùng và hàng trăm câu truyện cổ, các làn điệu dân ca, dân vũ còn trong đời sống văn hóa dân gian các dân tộc mà chưa khám phá hết.

Ở vùng cao Lào Cai, có thể nói đâu đâu cũng có chợ phiên. Chợ phiên trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của cộng đồng các dân tộc. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, trong khi một số chợ phiên như thế bị mất dần bản sắc thì chợ  phiên ở Mường Khương vẫn mang đậm chất vùng cao. Có thời gian hành trình, bạn sẽ được khám phá 14 phiên chợ được họp từ thứ Hai đến Chủ nhật hằng tuần suốt một dải từ Bản Lầu lên đến mũi nhọn Pha Long, đến Tả Gia Khâu - giáp biên giới Trung Quốc. Tại những phiên chợ này, đồng bào vùng cao từ khắp thôn, bản mang về đủ các sản vật quê hương. Góc này là su su, bắp cải, cải xoong xanh mướt, góc kia là can rượu ngô Cốc Ngù thơm nồng, bao gạo Séng Cù, chai tương ớt Mường Khương tươi đỏ, góc khác lại là gà đồi, lợn đen địa phương... Dạo qua góc ẩm thực, bạn sẽ bị chinh phục bởi mùi thơm phức tỏa ra từ chảo thắng cố ngựa, từ bát phở vùng cao nghi ngút khói, xiên cá nướng bắt tận ở sông Chảy mang lên, xiên thịt treo, xiên lạp xường còn thơm mùi khói... chỉ nghĩ thôi đã thấy thèm! Mỗi thức quà vùng cao để lại một ấn tượng không thể nào quên.

Ông Nguyễn Trí Thức, Trưởng Phòng Văn hóa - TT huyện cho biết: Nhận thấy những tiềm năng du lịch địa phương, ngay từ năm 2009, huyện đã khởi động một số điểm và tuyến du lịch, đồng thời thử nghiệm một số tuyến du lịch mới. Điểm du lịch Hàm Rồng (gồm hang động, thác nước Hàm Rồng, chợ phiên trung tâm huyện), điểm du lịch Văng Leng (gồm làng văn hóa Văng Leng, xã Tung Chung Phố và hang Nấm Oọc, xã Nấm Lư), điểm du lịch Cao Sơn (gồm chợ phiên Cao Sơn và làng nghề - làng văn hóa Ngải Phóng Chồ, xã Cao Sơn) luôn hấp dẫn du khách. Tuyến du lịch cố định bắt đầu từ thành phố Lào Cai - Hàm Rồng - Văng Leng - Cao Sơn (Mường Khương) - Cốc Ly (Bắc Hà) - thành phố Lào Cai cùng với hai tuyến du lịch thử nghiệm là: Thành phố Lào Cai - thác nước Tà Lâm - Pha Long - Tả Gia Khâu (Mường Khương) - Bản Mế (Si Ma Cai) - thành phố Lào Cai; thành phố Lào Cai - Lùng Khấu Nhin - thôn Mường Lum (xã La Pan Tẩn) - Bản Cầm (Bảo Thắng) - thành phố Lào Cai thu hút nhiều tour du lịch trong và ngoài nước khám phá. Năm 2010, Mường Khương đón được 7.200 lượt du khách. Theo dự kiến, nếu được công nhận chính thức các điểm, tuyến du lịch thử nghiệm và mở thêm một số điểm, tuyến du lịch mới, đầu tư hạ tầng cho du lịch thì năm 2015, Mường Khương sẽ thu hút được khoảng trên 10.000 lượt khách trong và ngoài nước. Việc khai thác tiềm năng du lịch thời gian qua không những quảng bá hình ảnh địa phương mà còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao dân trí, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Du lịch đã làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế Mường Khương từ nông - lâm nghiệp sang thương mại - dịch vụ, từ đó góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian tới, Mường Khương sẽ tích cực bảo tồn một số lễ hội, các làng nghề truyền thống, cũng như đầu tư nhiều hơn về hạ tầng để trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục