Non nước Việt Nam

Tết xưa của người Thái Yên Châu, Sơn La

Cập nhật: 16/01/2012 15:43:26
Số lần đọc: 2417
Mỗi một dân tộc, vùng miền, thời kỳ lại có cách đón tết khác nhau, để biết được Tết xưa của đồng bào Thái ở Yên Châu, chúng tôi được cán bộ văn hóa xã Sặp Vạt giới thiệu và làm hoa tiêu tới gặp ông Hà Trung San 74 tuổi, ở bản Nà Khái, người am tường về văn hóa, phong tục ăn tết của người Thái Yên Châu.

Bên bếp lửa bập bùng ông San kể: ngày trước khi lúa mùa đã cất vào kho, là lúc nông nhàn chuẩn bị đón Tết, các cụ đến thăm nhau, nói chuyện mùa vụ, chuyện đi phu, đi mua bán; còn thanh niên từ bản này sang bản khác chơi chọi gà, đánh cù, tó má lẹ... Đến sáng ngày 30 thì bà con trong bản mới chuẩn bị gói bánh chưng, người nhà này sang gói giúp nhà kia và ngược lại. Trước khi về bao giờ cũng cho nhau từ 1 đến 2 cặp bánh về làm quà, mặc dù bánh chưa được luộc chín. Bánh không gói đơn lẻ mà được gói 2 chiếc chập đôi với nhau, hình hơi gù. Sở dĩ chiếc bánh được gói chập đôi với nhau theo sự tích của người xưa kể lại: ngày Tết nhà không có gạo để gói bánh chưng nên người mẹ đã sang bản khác để xin gạo, hai người con ở nhà đợi mãi không thấy mẹ về, nên hai anh em cõng nhau đi tìm, phần bị đói, phần  bị rét, nên hai anh em đã chết lả dọc đường. Chính vì vậy, nên cứ đến ngày Tết, người Yên Châu làm bánh chập đôi để tưởng nhớ người đã mất. 


Bàn thờ của tổ tiên phải có một con gà luộc, cá nướng, đĩa thịt nướng, hai chiếc bánh chưng, bát gạo, chai rượu. Đón giao thừa thường được mọi người hẹn nhau trước ở một nhà nhất định, sau đó bầy mâm cỗ ra, với những món ăn đơn giản thịt, rau, măng, ngoài ra còn có thanh niên ở bản khác đến chơi, ai đến cũng góp mỗi người một chai rượu, bánh trưng, thịt... Giao thừa được lấy tiếng con gà gáy canh một làm mốc sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Khi gà gáy xong mọi người tạm nghỉ và ra rửa mặt ở suối, máng nước với quan niệm là gột rửa đi những vận rủi không may mắn của năm cũ theo dòng nước và đón nhận những gì tốt đẹp của năm mới. 


Vào buổi sáng mồng 1 Tết, nam, nữ thanh niên, trẻ nhỏ ra cánh đồng mới gặt với đủ loại trò chơi: chỗ đánh én của đám thiếu niên, chỗ chơi tó má lẹ của thiếu nữ, chỗ chơi tó cối (dùng chân đạp nhau) của trai bản... Nhưng vui và háo hức hơn cả là chơi ném còn, nam một bên, nữ một bên nếu bắt trượt quả còn của đối phương thì phải cho người ném một đồ vật nào đó để làm tin như khăn piêu, vòng tay, hay phải uống một sừng rượu cần. 


Những trò chơi dân gian hay rửa mặt trong đêm giao thừa vẫn được bà con lưu truyền vui chơi mỗi độ xuân về./.

Nguồn: Báo Sơn La

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT