Non nước Việt Nam

Vui mùa lễ cấp sắc của người Dao, Tuyên Quang

Cập nhật: 17/01/2012 09:40:16
Số lần đọc: 2346
Mỗi dịp đầu xuân, những người thầy “cao tay” có uy tín trong thôn, bản đứng đầu cho hai đấng Tam Thanh (thầy Tạo), Tam Nguyên (thầy Múa) lại được mời đến giúp các gia đình người Dao Quần Trắng tổ chức lễ cấp sắc. Lần này, là lễ cấp sắc của gia đình anh Đặng Văn Kỳ (34 tuổi), thôn Thanh  Vân, xã Hùng Đức (Hàm Yên).

Ngày đầu tiên (vào đám) là ngày gia chủ đón tiếp các thầy. Thầy Triệu Văn Nhộn (65 tuổi) - thầy có uy tín nhất trong thôn, đứng đầu đấng Tam Nguyên được mời từ trước đó, hôm nay dẫn theo gần 10 người trong đó có các thầy dẫn và người giúp việc... Khi đến ngoài cổng nhà gia chủ, một hồi trống dài được đánh lên hoà trong tiếng thanh la khuấy động một khung cảnh yên tĩnh. Thầy Nhộn bắt đầu đọc bài khấn, trình báo với các đấng thần linh, thổ công về đây chứng giám cho sự hiện diện của mình trong lễ cấp sắc. Những người thụ lễ được gọi là các điện tử gồm có: Anh Đặng Văn Kỳ cùng với 5 người anh em trai (Đặng Văn Kim, Đặng Văn Bích, Đặng Văn Khuyên, Đặng Văn Đông và 3 người cháu trai (Đặng Văn Dần, Đặng Văn Chắn, Đặng Văn  Quân) đã ra tận cổng đón tiếp các thầy bằng ba lần vái lậy. Rồi sau mới được phép mời các thầy vào trong nhà. Thầy Tướng Văn Trang - đứng đầu đấng Tam Thanh, từ thôn Khe Đảng, xã Tứ Quận (Yên Sơn) cũng được mời  tới. Khi đã làm lễ trình báo các thần linh, thánh thần xong, phía các thầy Tam Thanh được mời vào trong một cái lán ngay phía cổng mới được gia chủ dựng lên từ trước đó.


Quan niệm “Trưởng thành”


Bà Nguyễn Thị Xanh (74 tuổi), mẹ anh Đặng Văn Kỳ xúc động kể: Trước kia ông nhà tôi nghèo quá, đến khi ông ấy mất vẫn chưa kịp làm lễ cấp sắc cho mấy đứa con, cũng như chưa đón được ông bà, tổ tiên về nhà để thờ tự. Nay, mấy anh em chúng nó có gia đình ra ăn riêng cả rồi, tuy chưa khấm khá như người ta nhưng anh em nó cùng về chung nhau làm lễ cấp sắc này coi như đã “trả được nợ” với ông bà, tổ tiên. Theo quan niệm của người Dao Quần trắng, nếu đời bố mẹ không làm được lễ cấp sắc thì đến đời con cháu vẫn phải làm thay. Qua lễ cấp sắc con  cháu chứng tỏ sự  chín chắn về tâm hồn, thể chất, lập được công đi phá ngục giải thoát linh hồn của người thân đã khuất khỏi cõi âm loạn lạc về với  Ngọc hoàng hưởng cuộc sống sung túc, giàu sang. Chỉ những người đàn ông trải qua lễ cấp sắc mới được coi là “trưởng thành” và có đủ thẩm quyền tham gia các công việc của cộng đồng.


Suốt ba ngày hành lễ, các thầy cúng dùng tới gần 40 quyển sách khấn: Aan đan (An đàn), Sêu panh (Chiêu binh)... Các nghi lễ khấn lẫn những điệu múa có nhiều cung bậc khác nhau tiết tấu hài hòa của trống chiêng, thanh la tạo nên cảnh tượng  lúc hùng tráng, lúc bi ai. Ngày thứ hai là ngày diễn ra các nghi thức quan trọng nhất. Ngay từ sáng sớm, các thầy bậc Tam Nguyên, hướng dẫn các anh em, con cháu của anh Kỳ được thụ lễ múa Ngũ thương gà, trong tay mỗi người cầm một con gà trống múa quanh một mâm cúng đặt chính giữa nhà theo nhịp trống sành, chiêng… Đưa lên đưa xuống, lúc quay vòng, lúc nhảy rống lên. Với hàm ý, con gà sẽ giúp xua đi cái xấu, bệnh tật, không may mắn; giúp người đàn ông có thêm sức khỏe, có thêm ý chí để đảm đương tốt vị trí trụ cột trong  gia đình.


Mở đầu nghi lễ Khai Quang, thầy Tướng Văn Trang (đứng đầu đấng Tam Thanh) đọc bài khấn xin phép các thần linh để trao bút và ấn. Các anh em và con cháu của anh Kỳ quần áo chỉnh tề, ngồi ngay ngắn trên những chiếc ghế đã được chuẩn bị sẵn được thầy Trang cùng các thầy dẫn đi cùng mình lần lượt dùng sợi chỉ có xâu đồng xu buộc vào tóc của các anh em, con cháu mình. Sau đó các thầy cởi bỏ bộ áo quyền uy trên người mình khoác lên mình các con điện tử mình, tiếp theo cho các điện tử của mình uống một chút rượu, cho ăn một miếng xôi gói trong lá dong. Tiếp đó, các thầy vừa khấn, vừa  múa theo tiếng trống quanh các điện tử của mình. Kết thúc nghi lễ các thầy sẽ cấp ấn và bút (tức lễ trao bằng Tam Thanh) cho anh Kỳ, cùng các anh em, con, cháu của anh.


Niềm tự hào và ý nghĩa giáo dục nhân văn

 

Sau lễ trao bằng Tam Thanh đến nghi lễ Nhảy Ngũ đài, thu hút được đông đảo mọi người đến xem với quan niệm ai nhặt được những đồng tiền, và những mảnh vải nhỏ từ tay người thụ lễ thả xuống sẽ gặp may mắn cả năm. Nhưng thường người lớn tuổi nhường cho các cháu nhỏ vì mong muốn các cháu có nhiều sức khỏe, học hành thành đạt… Sau khi các thầy Tam Nguyên giúp anh Kỳ cùng các anh em trai của mình mặc các bộ quần áo của các đấng Tam Nguyên, hai ngón giữa được đeo hai nụ múa. Mỗi thầy sẽ dẫn theo một điện tử theo sau một vị thầy cao tay ra đến một bãi đất trống có các cầu dựng lên từ trước đó. Sau khi cùng leo lên cầu, các thầy  xuống và dỡ bỏ thang, ở dưới phía đằng sau, những người giúp việc đã chuẩn bị chăn võng đầy đủ để hứng những người được thụ lễ lộn nhào xuống. Theo nhịp tiếng trống, chiêng các thầy ở dưới dùng hai mảnh tre gõ vào nhau làm hiệu lệnh cho các điện tử ở phía trên lúc nhổm xuống, đến khi dang tay thả xấp tiền lẻ, rồi những tấm vải màu xuống phía dưới với hàm ý ban phát lộc cho mọi người...Sau một hồi trống thúc kéo dài các điện tử được lệnh lộn nhào xuống chăn võng. Khi xuống tới đất, người thụ lễ sẽ được các thầy cho uống ít rượu, ăn một chút xôi mật gói trong lá dong, Sau đó các thầy sẽ làm nghi lễ cấp ấn, bút của bậc Tam Nguyên.


Thầy Triệu Văn Nhộn giải thích về lễ Nhảy Ngũ đài mô phỏng lại một giai đoạn trong vòng đời của một con người từ trong bụng mẹ đến lúc trưởng thành. Nơi diễn ra lễ phải là nơi thoáng mát, khô ráo tượng trưng cho việc chọn một nơi sinh nở an toàn cho đứa trẻ. Chăn võng nâng lên đỡ là biểu tượng của những tấm lòng nhân ái, yêu thương của cha mẹ, của cộng đồng đang mở rộng đón chào sinh linh mới ra đời. Việc các thầy cúng cho các điện tử uống rượu, ăn xôi coi đó như dòng sữa mẹ ngọt ngào nuôi lớn đứa trẻ đến khi trưởng thành. Qua đó, có ý nghĩa giáo dục con người phải biết công lao sinh thành trời biển của cha mẹ.


Ông Bàn Văn Năng (53 tuổi), Bí thư chi bộ thôn Thanh Vân (xã Hùng Đức, Hàm Yên) trong vai trò của một thầy dẫn đấng Tam Nguyên chia sẻ: “Mỗi người đàn ông dân tộc Dao Quần trắng chúng tôi khi được cấp sắc đều coi đó là một niềm vinh dự lớn đối với bản thân, gia đình. Từ đó, càng khích lệ người đàn ông đó sẽ có thêm động lực xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Và bản thân người được cấp sắc luôn nêu cao tinh thần gương mẫu trong công việc là tấm gương sáng cho lớp trẻ noi theo.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT