Đảo Cù Lao Câu, Bình Thuận
Sự kỳ diệu của... đá
Đó là thời điểm không khí dễ chịu hơn, nước mát hơn, nắng trong hơn, gió cũng lồng lộng hơn, không phải đối diện với cái nắng gay gắt giữa trời cao và biển rộng. Chính lời mời hấp dẫn này, dù dịp Tết Nhâm Thìn 2012, là những ngày biển động nhất, chúng tôi vẫn quyết theo thuyền của ngư dân ra thăm đảo Cù Lao Câu, một đảo nhỏ ở xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Đây là nơi mà cứ mỗi năm vào mùa gió Nam, ngành nông nghiệp Bình Thuận thả hàng tỉ con tôm, cá giống ra biển, để bổ sung nguồn giống hải sản cho địa phương. Đảo Cù Lao Câu hay còn gọi là Hòn Câu, cách đất liền chừng 7 hải lý và cách TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận khoảng 110km về hướng Đông Bắc, có chiều dài trên 1.500m, nơi rộng nhất gần 700m, nơi cao nhất chỉ 7m, nổi lên giữa biển khơi như một “chiến hạm”.
Đảo khá nhiều đá chồng, đất ít. Cả đảo chỉ có một cái giếng nước ngọt nằm trong doanh trại trung đội bộ binh làm nhiệm vụ giữ đảo, được gọi là “Giếng Tiên”.
Vài năm gần đây, Cù Lao Câu là một trong những điểm đến của các tour du lịch xanh với những ai say mê khám phá vẻ đẹp kỳ thú của đá. Đảo có bãi biển tuyệt đẹp với làn nước màu ngọc bích trong veo, bãi cát trắng hoang sơ nằm bên hàng ngàn khối đá nhiều màu sắc có hình thù độc đáo, đẹp kỳ ảo. Bàn tay tài tình của tạo hóa đã biến đá nơi đây thành nhiều dáng hình.
Xen kẽ các khu vườn đá là những bãi cỏ xanh mướt. Mùa này sóng lớn, những con sóng bạc đầu như chực nuốt chửng chiếc tàu cá chở chúng tôi. Anh lái tàu tên Thuận, kiêm hướng dẫn viên chốc chốc lại cười nhìn hành khách mặt tái mét vì say sóng. Anh bảo mùa gió Nam chỉ đi 40 phút là tới đảo, nhưng biển động này phải đi hơn một giờ đồng hồ.
Cũng theo anh Thuận, anh đã phải “cấp cứu” cho khá nhiều du khách yếu bóng vía nhưng vẫn thích khám phá đảo. Bởi nhiều người từng ngất xỉu khi chứng kiến những con sóng cao ngất trùm kín thân tàu, cũng có khách trên tàu không say, nhưng bước lên bờ thì không thể di chuyển được, dân đi biển gọi là hiện tượng say bờ. Và lúc này, cách cấp cứu của anh Thuận là đào một hố nhỏ sát bờ biển, đặt người say xuống, cho “hít đất”... giải say!
Là vùng đất nắng và gió, khí hậu khắc nghiệt nhất của tỉnh Bình Thuận, cái tên Tuy Phong cũng có nguồn gốc từ nơi giàu gió này mà ra. Cũng vì vậy mà nơi đây được các nhà đầu tư năng lượng gió chọn lựa, nhà máy điện gió đầu tiên của Việt Nam đang hoạt động hiện nay cũng tại vùng đất này, ai đi trên Quốc lộ 1A, ngang qua địa bàn này đều được thấy quạt gió, ngày đêm quay tít làm ra điện. Nhưng điều ngạc nhiên nữa, là ra đến đảo thì cái nóng bức, hanh hao của gió lại không còn nữa. Đảo không một bóng cây nhưng thời tiết lại dễ chịu.
Theo địa thế của từng khu, nhiều cái tên độc đáo được dân đi biển đặt cho các bãi đá của hòn đảo nhỏ này, như hang Tình Yêu, khe Sung Sướng, bãi Tắm Tiên, bãi San Hô, bãi Cá Suốt... Điểm sục sạo đầu tiên chúng tôi được anh Thuận hướng dẫn là hang Yến, một cái hang có hàng trăm con chim yến xây tổ.
Dân đi biển mùa hè thường ghé lại lấy trứng, lấy tổ yến, nhưng gần đây có sự bảo vệ của bộ đội nên người đi biển không khai thác tổ yến nữa, vì vậy mà yến sinh sôi ngày càng nhiều. Cạnh hang Yến là hang Ba Hòn, một hang động lớn được tạo nên từ 3 hòn đá lớn dựng đứng. Đây là điểm dừng chân của khách đến Hòn Câu.
Đảo không có bóng cây, không quán xá, nên hang Ba Hòn là điểm dừng chân để nghỉ ngơi, tránh nắng và cảm nhận cái bao la, rộng lớn của đất trời và đón gió biển. Cùng với hang Ba Hòn, bãi Tắm Tiên cũng là một sự kỳ diệu được đá tạo nên. Đó là một khu vực khép kín với các dãy đá dựng đứng bao quanh.
Nhưng điểm đặc biệt nhất của Hòn Câu là vùng nước xung quanh có sự hiện diện của các hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình, đó là những rạn san hô và thảm cỏ biển, có giá trị lớn về đa dạng sinh học. Đây còn là nơi sinh sống và là bãi đẻ của nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm. Suốt dọc đường, từ bãi biển Phước Thể, nơi tàu xuất phát ra đến đảo là vô vàn san hô.
Nước trong veo, xanh ngắt để lộ bên dưới những rặng san hô sống đủ hình dáng, màu sắc. Do nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của hiện tượng nước trồi, nên khu vực này được xem là nơi có ý nghĩa lớn trong việc duy trì và bổ sung đa dạng sinh học, nhờ vào khả năng thích ứng san hô với sự thay đổi khí hậu.
Một doanh nghiệp du lịch đã nhanh chóng đưa vào sử dụng dịch vụ lặn biển ngắm san hô thu hút khá đông khách. Trên đảo, chúng tôi gặp nhiều khách nước ngoài đang thích thú sau chuyến lặn biển ngắm san hô.
Kể chuyện “rắn đêm khuya”
Nếu chỉ là khách du lịch, thì sự khám phá chỉ dừng ở nhận định hòn đảo nhỏ này có một hệ sinh thái độc đáo. Tuy thu hút khách du lịch thời gian gần đây, thậm chí có nhiều công ty du lịch nhắm đến, nhưng Cù Lao Câu vẫn giữ được vẻ nguyên thuỷ ban đầu. Ít ai biết rằng, nơi đây còn là nơi trú ngụ của nhiều loại rắn độc.
Bà Giữ, người duy nhất dựng lều bán quán trên đảo mùa biển êm, thường dặn khách lên đảo: “Nhớ đi men theo lối mòn có sẵn, đừng đi trên cỏ hay vào bụi rậm, dễ bị rắn cắn lắm”.
Lời dặn của bà chủ quán làm chúng tôi hoảng hồn, vì khi bước chân lên đảo, rời mép nước là chúng tôi tìm đến bờ cỏ. Chuyện rắn trên đảo qua lời người đàn bà miền biển với nửa năm kéo lưới, nửa năm bán quán cóc trên đảo khá nhiều ly kỳ. Đảo còn hoang sơ nên rắn sinh sôi nhiều lắm. Rắn ở đây chủ yếu là rắn lục, rắn lải, rắn hổ... chúng thường nằm ẩn dưới những lớp cỏ và trong các cây bụi, rất khó phát hiện. Dù vậy, nhưng loài rắn độc ở đây không tấn công người, trừ khi người ta “chọc” đến chúng.
Có những lúc khách đất liền ra đảo chơi, rồi tổ chức tiệc, trước khi về họ đốt rác, lửa cháy lan, rắn hoảng loạn đu quặt các ngọn dương để trốn lửa mà không làm hại đến ai. Còn câu chuyện ở nhà bà thì ly kỳ hơn nhiều. Bà Giữ kể, một buổi tối vào đầu hè vừa rồi, trời nóng bức, vợ chồng bà lấy chiếu trải dưới nền đất rồi thắp đèn dầu đi ngủ.
Trong lúc mơ màng, bà cảm giác có vật gì trơn đang nằm vắt ngang tay. Trong ánh đèn mờ mờ, bà giật mình thấy con rắn dài hơn nửa thước nằm vắt ngang cổ tay mình. Vốn quen đối phó với rắn trên đảo, nên bà cố giữ bình tĩnh khều chồng dậy tìm cách xử trí. Chồng bà sau đó đã đập chết con rắn, đó là loại rắn Lục Lương có màu vàng xanh, nọc cực độc, nếu bị rắn cắn có thể mất mạng.
Vậy mà “loài rắn thường sống có cặp nên thiệt nhiều cảm xúc. Vợ chồng tôi cũng mấy phen khổ với con rắn còn lại”, bà Giữ nói. Một con bị chết, con rắn còn lại đêm nào cũng đến sau bếp nhà bà tìm bạn. Đêm nào cũng vậy, vợ chồng bà nghe tiếng động, cầm đèn ra soi là hoảng hồn, vì con rắn còn lại giống hệt con bị đánh chết. Cũng nhiều lần, lúc chuẩn bị thuyền thúng đi đánh cá, chồng bà thấy con rắn này nằm im lìm vắt ngang thành thúng. Không đánh chết rắn nữa, họ phải tìm cách xua nó đi, và thầm cầu khấn, xin rắn không trở lại quấy phá nữa, từ đó mới yên.
Đem câu chuyện ly kỳ về rắn hỏi trung đội bộ binh đóng quân trên đảo, Thiếu úy Đỗ Hữu Vũ, Trung đội trưởng Trung đội bộ binh cười xòa. Anh không tin chuyện con rắn lục tìm bạn của bà chủ quán, nhưng xác nhận chuyện hòn đảo nhỏ này “dày đặc”... rắn là rắn.
“Bằng chứng là những tiếng sột soạt trên đường đến doanh trại đóng quân của trung đội, các bạn đã nghe, đó là tiếng rắn đang di chuyển trong các bụi cỏ cây um tùm dưới chân đó”, anh Vũ cho hay. Câu chuyện giữa chúng tôi và các chiến sĩ trên đảo từ đó xoay quanh về rắn. Ở đảo, nếu chẳng may bị rắn độc cắn thì cầm chắc chết, dù cũng có đôi ba bài thuốc “chữa cháy” trước khi được chuyển vào đất liền.
Cũng vì vậy mà một trong những bài tập tự vệ của bộ đội trên đảo này là phòng chống rắn độc tấn công. Anh Vũ kể, mới mấy ngày trước, một chiến sĩ trong lúc đi tuần tra đã giẫm phải con rắn nằm vắt ngang đường. Con rắn không cắn nhưng vì hoảng hốt, anh chiến sĩ trẻ đã cởi giày định đập chết rắn.
Cuối cùng thì con rắn đã kịp quay đầu đớp cậu một phát vào tay rồi biến mất. Cả trung đội hốt hoảng, bởi dù sống chung với rắn nhưng đây là lần đầu tiên có chiến sĩ bị rắn cắn. Nhờ kinh nghiệm khi sống trên đảo, các chiến sĩ đã kịp sơ cứu đồng đội ngay trong đêm, sau đó phải nhờ ghe đánh cá tức tốc đưa nạn nhân vào đất liền cứu chữa.
Cũng may anh tân binh qua khỏi, và bài học sống cùng rắn lại càng được trung đội đặt lên hàng đầu, mà yếu tố đề phòng rắn luôn được tuân thủ như một quy tắc của nhà binh. Bây giờ trong lúc tuần tra hay chăm sóc vườn rau, các anh đều mang ủng để tránh rắn cắn. Nếu khách tham quan ghé đảo, việc đầu tiên của bộ đội là nhắc cẩn trọng khi tiếp cận các bụi cây, bụi cỏ.
Anh Vũ lưu ý đặc biệt là lúc thời tiết nắng nóng, rắn sẽ lũ lượt bò lên các thân cây trốn nắng, mùa hè đến đảo, du khách không nên ngồi dưới gốc cây. Còn buổi tối, rắn thường “xếp hàng” nằm dài trên những con đường mòn quanh đảo, nên vào đêm tối, nhiều tân binh rất ngại đi tuần tra. Anh Vũ cười: “Chắc chỉ có rắn ở Cù Lao này mới “thản nhiên” vậy!”
* Khách có thể ra đảo bằng ca nô của khu du lịch Scuba, hoặc thuê tàu đánh cá của ngư dân. Mỗi phương tiện có cái thú khác nhau, nhưng độ nguy hiểm thì như nhau! Nếu đến đảo từ tháng 3 đến tháng 7 thì không phải lo về chuyện ăn uống hay ngủ lại, vì ngư dân ở các làng chài gần đó ra đảo dựng quán bán đồ ăn.
Nhưng đi mùa biển động thì phải trang bị từ đồ ăn đến lều ngủ. Cuối cùng, muốn lên được đảo, phải xin phép chính quyền địa phương. Vào Rằm tháng 4 âm lịch hàng năm, ngư dân Tuy Phong tổ chức lễ hội cầu Ngư truyền thống rất lớn cầu mong một năm biển được mùa. Lễ hội cầu ngư trên đảo Cù Lao Câu thu hút rất nhiều người dân địa phương và du khách.