Đình Xám, thôn Lạc Đạo, xã Hồng Quang (Nam Trực) được xây dựng cách đây hơn 10 thế kỷ, là di tích thờ Phụ dực quốc chính Thượng tướng quân Trần Minh Công (tên thật là Trần Lãm) - người đã góp công lớn cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước.
Sinh thời Thượng tướng quân Trần Minh Công có qua thôn Lạc Đạo, thấy phong cảnh hữu tình, dân cư thuần phác bèn lập sinh từ, giúp nhân dân địa phương khơi ngòi, đắp đập, tạo dựng làng xã. Ông mất tại thôn Lạc Đạo, được nhân dân an táng tại xứ Đồng Xâm. Nhà vua cảm kích công lao to lớn của ông đã cấp tiền để tu sửa lại nơi thờ tự, sai dân sở tại phụng thờ, hằng năm mở hội tế lễ và phong mỹ tự “Quốc đô Thành hoàng”.
Thời Lý, Đình Xám được mở rộng quy mô với nhiều nét kiến trúc độc đáo và hoa văn đa dạng. Khu di tích gồm ngôi đình chính ở phía trong, hai dãy tả hữu và đình đằng trước để làm nơi hội họp việc làng và nơi tổ chức các cuộc thi hát. Ngôi đình chính được xây hai lớp theo kiểu chữ nhị, mỗi lớp có năm gian. Công trình làm toàn bằng gỗ lim lợp ngói nam. Nhà tiền tế đứng vững bởi một bộ khung gỗ vững chắc, sáu vì kèo làm theo kiểu chồng rường giá chiêng, đứng vững chắc trên bốn hàng cột. Các mảng chạm khắc ở trên các vì kèo là những mảng chấm phá, tạo nên sự hoàn chỉnh của không gian bên trong. Năm gian chính cung được xây nối liền, giáp mái với nhà tiền tế. Ở đây, những đường lượn, những cụm vân mây, những hoa lá cách điệu được điểm xuyết ở các góc, các đầu xà đã dung hòa được sự đơn điệu của những đường ngang dọc trong kiến trúc. Điểm tập trung sự chú ý nhất là những mảng chạm khắc ở phía ngoài của 6 cây cột và 5 ô cửa tiền đường. Ở ô cửa giữa có chạm đôi rồng chầu và nhiều rồng con với nhiều dáng, thế khác nhau cùng với những con vật dân gian như nai, khỉ… và nhiều hoa lá cách điệu. Hai ô cửa hai bên và ngoài cùng, hình tượng chạm khắc chủ yếu là rồng đan xen những con thú như khỉ, nai, chim… Thiên nhiên và loài vật hòa nhập, quấn quýt bên nhau với từng nét bong kênh, chạm thủng, tỉa tách thật cầu kỳ và bằng một lối đục phá phóng khoáng làm cả bức chạm trở nên sống động.
Tại ngôi đình này đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử gắn với các bước thăng trầm của đất nước: những cuộc mít tinh của nhân dân địa phương dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945; những cuộc họp bí mật của cấp ủy Đảng trong kháng chiến; những buổi tiễn đưa con em địa phương gia nhập bộ đội, thanh niên xung phong trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược…
Đình Xám được Bộ Văn hoá và Thông tin (nay là Bộ VH, TT và DL) xếp hạng năm 1964. Những năm gần đây được Nhà nước hỗ trợ và sự đóng góp của nhân dân địa phương, Đình Xám từng bước được tu bổ, thu hút ngày càng nhiều khách thập phương đến tham quan, nhất là vào dịp tổ chức hội truyền thống của địa phương vào các ngày 17, 18, 19 tháng 8 âm lịch hằng năm. Trong lễ hội Đình Xám có tế, lễ, rước, bơi chải, múa rối nước, bơi lội, vật, chọi gà, cờ tướng, cờ người, thi hát ca trù, chầu văn, hát chèo tại đình...