Hoạt động của ngành

Phú Thọ: Đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch

Cập nhật: 16/02/2012 11:12:51
Số lần đọc: 2104
Là tỉnh trung du phía Bắc, Phú Thọ hiện có 1.372 di tích lịch sử văn hóa với 161 di tích khảo cổ học, 262 chùa và nhiều di tích kiến trúc cổ xưa,  trong đó nổi bật là di tích lịch sử Đền Hùng đã được xếp hạng đặc biệt quốc gia và di sản “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đang trong quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tuy nhiên để ngành du lịch của tỉnh ngày càng phát triển mạnh hơn đòi hỏi cần phải đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch có chuyên môn nghiệp vụ bởi đội ngũ này được coi là cầu nối khách du lịch với điểm du lịch vì vẻ đẹp, sự lôi cuốn, hấp dẫn của điểm du lịch không chỉ là vẻ đẹp về văn hóa, lịch sử, phong cảnh… mà còn một phần phụ thuộc và trình độ, kiến thức của người hướng dẫn viên. Không chỉ vậy đội ngũ hướng dẫn viên còn đóng một vai trò rất quan trọng đó là khả năng đóng góp tại cơ sở mà họ đang làm việc, làm cho chương trình du lịch phù hợp hơn với nhu cầu của du khách qua việc trực tiếp tiếp xúc với du khách bằng kinh nghiệm của bản thân.

Hiện nay, Phú Thọ đã có nhiều di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật khác cũng đã được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia mang đậm dấu ấn của nền văn minh Việt cổ như: Làng Cả, Sơn Vi, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn. Các lễ hội diễn ra trên quê hương đất Tổ cũng rất đa dạng, phong phú mang đậm giá trị văn hóa đặc sắc thời đại Hùng Vương như Hội Đền Hùng, hội Phết Hiền Quan, rước Chúa gái Hy Cương, Hội bơi chải Bạch Hạc, hội rước voi Đào Xá, hội ném còn của đồng bào dân tộc Mường… Ngoài ra Phú Thọ còn có kho tàng thơ, ca, hò vè rất đặc sắc, những làn điệu hát Xoan, Ghẹo, Đối, Ví, Giang mang âm hưởng của miền quê trung du, đặc biệt “hát Xoan Phú Thọ” đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Cùng với những di tích lịch sử văn hóa, thiên nhiên ưu đãi cho Phú Thọ những danh lam thắng cảnh làm đắm say lòng du khách gần xa như Đầm Ao Châu với huyền thoại 99 ngách; Ao Giời suối Tiên đậm nét hoang sơ vẻ đẹp tự nhiên; Vườn quốc gia Xuân Sơn với những hang động nhũ đá vôi lung linh huyền ảo và hệ động thực vật nguyên sinh quý hiếm, nhiều loài có mặt trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy với trữ lượng lớn và hàm lượng chất radon đạt tiêu chuẩn quốc tế có khả năng chữa bệnh rất tốt đang mở ra triển vọng cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh quy mô lớn… đã tạo điều kiện cho du lịch Phú Thọ phát triển.


Một thực tế cho thấy hiện nay các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đang thu hút một lực lượng lao động khá đông tuy nhiên do chưa coi trọng công tác đào tạo nghề nên đội ngũ lao động có tay nghề cao còn bất cập. Các doanh nghiệp du lịch phần lớn tuyển lao động phổ thông không có chuyên môn điều này làm cho các nghiệp vụ du lịch thiếu tính chuyên nghiệp vì vậy việc phát triển nguồn nhân lực du lịch là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao được sức cạnh tranh và thu hút đầu tư vào thị phần du lịch của tỉnh.

Để tạo nguồn nhân lực cho du lịch tỉnh nhà đòi hỏi các cơ quan hữu quan của tỉnh cần quan tâm tới các vấn đề như: Xây dựng các cơ sở, hệ thống đào tạo nghề du lịch có khả năng cung ứng cho tỉnh đội ngũ lao động đông đảo có trình độ chuyên môn, có khả năng thích ứng môi trường, có trình độ ngoại ngữ, trình độ giao tiếp tốt. Thường xuyên cập nhật thông tin đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ lao động trong tỉnh, mặt khác việc đào tạo phải gắn với nhu cầu thực tiễn các hoạt động du lịch trên địa bàn.

Phải đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo du lịch có hiệu quả, đầu tư trang thiết bị cho cơ sở đảm bảo gắn kết giữa lý thuyết với thực hành nghề nghiệp, xây dựng khung chương trình, mã ngành đào tạo khoa học hợp lý. Ngoài ra phải có đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm thực tế. Đội ngũ giáo viên không ngừng được nâng cao trình độ, phát triển chuyên sâu thông qua đào tạo mới, bồi dưỡng, trau dồi kinh nghiệm thực tế dưới mọi hình thức trong nước cũng như ngoài nước; phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp để gắn liền đào tạo với sử dụng nâng cao năng lực, trình độ của người lao động. Các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch phải ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật hiện đại về máy móc thiết bị, phần mềm quản lý và con người vận hành.

Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, nghiên cứu học tập trau dồi kinh nghiệm và phối hợp đào tạo với các dự án nước ngoài. Nắm bắt được tình hình trên, năm 2011, Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ đã mở thêm khoa đào tạo Du lịch và khách sạn và bắt đầu đào tạo khóa đầu tiên với 35 học sinh - đây được coi là tín hiệu lạc quan trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nhà. Sắp tới Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật tỉnh cũng sẽ mở thêm khoa du lịch để đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho tỉnh.

Nguồn: website báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục