Hoạt động của ngành

Khởi sắc du lịch Điện Biên

Cập nhật: 02/03/2012 15:53:20
Số lần đọc: 2375
Ngoài quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ, du khách lên với vùng đất cực Tây của Tổ quốc còn mong muốn tìm hiểu, khám phá nét văn hoá của đồng bào các dân tộc địa phương, tham quan các điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng như: hồ Pa Khoang, khám phá Sông Đà hùng vĩ đã đi vào thơ ca, nhạc họa...

Thông thường với du khách, sau khi đặt chân đến Điện Biên là phác thảo sơ bộ kế hoạch các điểm đến, thời gian lưu lại tham quan. Và như một sự trùng lặp ngẫu nhiên, ai cũng dành chút thời gian quý báu để thắp hương, viếng anh linh các liệt sỹ tại Nghĩa trang A1. Trong nghi ngút khói hương, không gian tĩnh lặng, tiếng chuông vọng vào không gian và lắng sâu vào lòng người, như để nhắc nhở thế hệ sau hãy biết giữ vững ý chí chiến đấu, quyết tâm bảo vệ vẹn toàn từng tấc đất của Tổ quốc, cho dù phải đổi bằng mồ hôi xương máu.

Hiện nay, với sự quan tâm đầu tư kinh phí của Nhà nước, phần lớn các điểm di tích đã được trùng tu, tôn tạo; tái hiện 56 ngày đêm “máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn” của quân đội ta. Tại mỗi điểm di tích, du khách được hướng dẫn viên du lịch thuyết minh những sự kiện, thông tin liên quan đến các trận đánh cam go, quyết liệt để giành giật từng tấc đất giữa ta và địch. Nhưng có 2 nơi mà bằng các sự kiện, hiện vật trưng bày, giới thiệu có thể tái hiện một cách tổng thể nhất về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đó là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Bức phù điều đại cảnh tại sân hành lễ đồi D1. Bằng khối óc thông minh của các nhà hội họa, điêu khắc và bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ, các giai đoạn chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ đến những ngày kháng chiến cam go và khúc ca khải hoàn ngày chiến thắng được tái hiện trên bức phù điêu bằng đá xanh Thanh Hóa lớn nhất Đông Nam Á này.

Ban ngày, du khách dành thời gian tham quan, tìm hiểu hết điểm di tích lịch sử. Đêm đến là lúc du khách nên xuống các bản văn hoá du lịch quanh T.P Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Đường về bản tuy không xa, chưa thực sự thuận lợi, do cơ sở hạ tầng giao thông thấp kém, nhưng đổi lại, du khách được thưởng thức những món ăn mang đặc trưng của đồng bào nơi đây. Trong ngôi nhà sàn truyền thống rộng rãi, dưới ánh điện lung linh, chén rượu được rót ra và với những lời mời như rót mật vào tai của các cô gái Thái thì dù không biết uống rượu du khách cũng vẫn nâng chén đáp lại tấm thịnh tình, hiếu khách của chủ nhà. Càng về khuya, trong cảm giác lâng lâng của chén rượu nấu từ men lá rừng, cả chủ và khách tay trong tay múa xòe đoàn kết.

Xác định du lịch văn hoá là “sản phẩm” không thể thiếu đối với mỗi du khách, do đó, tỉnh đã giao ngành Văn hoá - Thể thao và Du lịch khảo sát, lập dự án phát triển thêm 10 bản văn hoá du lịch nữa, thuộc các thành phần dân tộc khác nhau, ở nhiều huyện, thị khác nhau. Rút kinh nghiệm những gì sau 7 năm phục vụ du khách tại 8 bản văn hoá, ngành Văn hoá - Thể thao và Du lịch sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế, phát huy thế mạnh để khai thác, phục vụ tốt hơn nhu cầu thưởng lãm, khám phá cái hay và mới lạ của du khách.

Nét mới và cũng là “sự lột xác” của Du lịch Điện Biên thời gian gần đây, đó là không còn tự phát, mạnh ai nấy làm như trước, mà đã theo quy hoạch, xu thế phát triển chung theo từng năm và cả giai đoạn của tỉnh. Bên cạnh đầu tư của Nhà nước, các doanh nghiệp, hộ gia đình đã biết biến tiềm năng, lợi thế về du lịch để làm giàu cho mình và cho xã hội. Ông Nguyễn Văn Năm, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch), cho biết: Để xác định, đánh giá ngành Du lịch Điện Biên phát triển, khởi sắc và chủ động “hội nhập” như thế nào thì phải “người trong cuộc”, tâm huyết với ngành “công nghiệp không khói” mới hiểu hết. Ví như năm 2004 - năm điểm nhấn của du lịch Điện Biên, có 178 nghìn lượt khách đến Điện Biên tham quan; trong đó khách quốc tế 10 nghìn lượt, thu nhập xã hội từ du lịch là 53,4 tỷ đồng. Thì đến năm 2011, lượng du khách đến Điện Biên là 355 nghìn người (khách quốc tế 64 nghìn), doanh thu đạt 215 tỷ đồng. Du khách không ngừng tăng lên đã chứng minh môi trường du lịch của Điện Biên trở nên gần gũi, thân thiện hơn.

Trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước khó khăn, không thể đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng (khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi giải trí...) phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ của du khách như mong muốn, UBND tỉnh đã tạo môi trường thông thoáng, cải cách hành chính để thu hút đầu tư. Với cách làm đó, số doanh nghiệp, hộ thương nhân mạnh dạn bỏ tiền xây dựng cơ sở lưu trú du lịch ngày càng nhiều, góp phần tạo nên “thương hiệu” du lịch Điện Biên. Thống kê của cơ quan chức năng, năm 2005, toàn tỉnh có 27 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó 3 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao, 10 cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách, 1 doanh nghiệp được Tổng cục Du lịch cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Đến nay, toàn tỉnh có 73 cơ sở đang hoạt động kinh doanh du lịch, với tổng số 1.111 phòng/2.240 giường (tăng 677 phòng so với năm 2005). Trong đó 5 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao, 19 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó là 48 nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, 3 doanh nghiệp được Tổng cục Du lịch cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế; 80 nhà hàng; 8 bản văn hóa và trên 20 khu, điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh có khả năng đáp ứng nhu cầu về nghiên cứu, tìm hiểu văn hoá, văn nghệ, lễ hội, ẩm thực...

Điều vui nhất đối với ngành Du lịch Điện Biên là sau nhiều năm phấn đấu, dồn tâm và lực phát triển cơ sở hạ tầng, vừa qua, Tổng cục Du lịch đã xếp hạng Khu du lịch sinh thái Him Lam (thuộc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại số 6) đạt tiêu chuẩn 3 sao. Theo bà Nguyễn Thị Hưng, Phó Giám đốc khách sạn thì: Để đạt được tiêu chuẩn trên, đơn vị phải trải qua nhiều cuộc bình chọn với 200 tiêu chí rất khắt khe. Kết quả, khách sạn đạt 190 tiêu chí (10 tiêu chí còn lại được “nợ”, nhưng phải “hoàn trả” trong thời gian sớm nhất. Như thế có nghĩa, trong thời gian tới, khách sạn tiếp tục đầu tư, chỉnh trang cơ sở vật chất; bên cạnh đó là đào tạo nguồn nhân lực, đề cao văn hóa trong giao tiếp, kinh doanh, phục vụ...

Được biết, Khu du lịch sinh thái Him Lam có quy mô lớn nhất tỉnh (cả diện tích lẫn tổng mức đầu tư), toạ lạc trên khuôn viên đẹp, lãng mạn và yên tĩnh. Khách sạn có 100 phòng trong đó 35 phòng VIP. Các dịch vụ kèm theo: nhà hàng, quầy bar, xông hơi massa, bể bơi, bơi thiên nga trên hồ tự nhiên và các dịch vụ vui chơi giải trí khác. Năm 2011, khách sạn đón 15.290 lượt khách, trong đó trên 4.100 khách quốc tế, doanh thu đạt 15 tỷ đồng. Hiện nay, khách sạn kết nối với 500 đơn vị lữ hành trong nước và quốc tế. Đội ngũ hướng dẫn viên, lễ tân được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, khả năng giao tiếp tiếng Anh khá tốt nên rất nhiều du khách nước ngoài chọn khách sạn làm chỗ dừng chân mỗi khi lên Điện Biên./.

Nguồn: Báo Điện Biên Phủ

Cùng chuyên mục