Tân Kỳ (Nghệ An): Phát triển tiềm năng du lịch
Thế nhưng, xét về khía cạnh du lịch, lễ hội thì Tân Kỳ là một địa phương chưa có điểm nhấn, mặc dù tiềm năng là rất nhiều.
Tân Kỳ có nhiều di tích lịch sử - văn hóa. Đó là bãi tập binh mã của đội quân Lê Lợi ở xã Tân An và Nghĩa Phúc để đánh trận Trà Lân. Sau khi vị tướng Lê Mạnh bị địch giết và chôn cất tại đây, nhân dân trong vùng lập miếu thờ cúng và nay được đặt tên là đền Khe Sanh. Đền Khe Sanh được tọa lạc bên dòng Khe Sanh, địa phận xóm Quỳnh Lưu, xã Tân An. Trong khuôn viên đền có cây đa 200 năm tuổi, hàng ngày nhân dân trong vùng đến thắp hương cầu nguyện được bình yên, sức khỏe và làm ăn phát đạt.
Ở xã Tân Phú và Nghĩa Hoàn còn có di tích lịch sử Lèn Voi, cũng là nơi huấn luyện voi cho nghĩa quân Lê Lợi. Ở xã Nghĩa Đồng có đình Làng Sen, là nơi 3 chiến sỹ cộng sản của ta bị địch xử bắn trong thời kỳ 1930 - 1931. Di tích lịch sử cách mạng cây đa Làng Giang ở xã Nghĩa Thái là nơi cắm lá cờ đầu tiên của Đảng vào những năm 1930 - 1931 nhằm hiệu triệu nhân dân trong vùng đứng lên biểu tình phản đối chế độ thực dân.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Tân Kỳ là nơi tập kết đạn dược, lương thực để vận chuyển bằng đường bộ theo đường mòn Hồ Chí Minh vào miền
Về du lịch thắng cảnh, Tân Kỳ có hang động Thung Khiển, nằm trong khu vực cánh rừng nguyên sinh ở xã Tân Hợp. Đây là hang động rất đẹp, được thiên nhiên ban tặng, nhưng hiện vẫn còn hoang sơ. Vừa qua, huyện đã thực hiện dự án làm tuyến đường nhựa từ xã Đồng Văn vào Thung Mòn để lên Thung Khiển, nhằm thu hút sự chú ý của khách du lịch, từng bước khai thác đưa vào tua du lịch của huyện. Trên địa bàn Tân kỳ còn có 2 suối nước nóng, nếu biết cách khai thác, đầu tư, thì đây là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch.
Ông Nguyễn Duy Thủy - Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Tân Kỳ là vùng đất được thiên nhiên ban tặng cho nhiều thắng cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử văn hóa có ý nghĩa. Tuy nhiên, tất cả những tiềm năng đó vẫn chưa được tôn tạo, khai thác để thu hút khách du lịch, và chưa đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người dân.
Để từng bước tôn tạo, phục dựng các di tích lịch sử văn hóa cách mạng, huyện đã giao cho ngành Văn hóa huyện đề xuất kịch bản nhằm tổ chức lễ hội mang tầm cấp huyện, qua đây cũng khôi phục các trò chơi dân gian của các dân tộc trên địa bàn huyện. Về du lịch thắng cảnh, huyện có chủ trương mời gọi các nhà đầu tư phối hợp với huyện để khai thác.
Trong đó, lấy hang động Thung Khiển làm điểm nhấn, tạo được tour du lịch kết hợp giữa du lịch thắng cảnh với di tích lịch sử văn hóa cách mạng và du lịch tâm linh. Ngày nay, mạng lưới giao thông của Tân Kỳ khá thuận lợi, có đường Hồ Chí Minh chạy qua, có 6 chiếc cầu kiên cố bắc qua sông Con, mạng lưới giao thông phục vụ cho vùng nguyên liệu phần lớn đã được nhựa hóa. Đặc biệt, đời sống vật chất của đồng bào các dân tộc trong huyện đã được nâng cao, ổn định cuộc sống, thì việc thưởng thức những giá trị tinh thần là điều cần thiết!