Quảng Ninh: Du lịch Hạ Long hướng tới phát triển bền vững
Hơn nữa, phát triển du lịch bền vững cũng đang là xu thế chung của các nước trên thế giới, đối với ngành công nghiệp “không khói” này...
Chúng ta đều biết, Vịnh Hạ Long có tiềm năng du lịch rất lớn, với những giá trị đặc biệt về cảnh quan, địa chất, địa mạo, lịch sử, văn hoá. Vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, gần đây lại được bầu chọn là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới. Chừng ấy danh hiệu ấy đủ hấp dẫn bất cứ du khách nào lần đầu đến Việt Nam.
Những năm qua, hoạt động du lịch Vịnh Hạ Long đã có nhiều chuyển biến. Từ nguồn ngân sách của Trung ương, tỉnh và đầu tư của các doanh nghiệp, cơ sở vật chất kỹ thuật cho phát triển du lịch ở Hạ Long như đường, bến cảng, khu vui chơi giải trí, tàu vận chuyển khách, hệ thống thông tin liên lạc... đã không ngừng được nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn quốc gia và khu vực. Công tác quảng bá hình ảnh du lịch Hạ Long được đẩy mạnh cả trong và ngoài nước... Nhờ vậy, lượng khách đến với Hạ Long ngày một tăng. Nếu như cách đây khoảng 20 năm, lượng khách du lịch đến Hạ Long chỉ vài trăm nghìn, thì năm 2011 con số này là 6,2 triệu lượt, trong đó 2,3 triệu lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu toàn ngành Du lịch đạt 3.400 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2010.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng của du lịch Hạ Long những năm qua là một trong các nguyên nhân đe doạ môi trường Vịnh Hạ Long: Ô nhiễm khí và nước do xả thải quá khả năng tự làm sạch của môi trường, thay đổi cảnh quan để xây dựng cơ sở hạ tầng ảnh hưởng xấu tới đa dạng sinh học...
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, việc xây dựng một mô hình du lịch bền vững cho Vịnh Hạ Long đòi hỏi nhiều yếu tố đồng bộ. Đó là cần có sự nỗ lực vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp làm du lịch, du khách và người dân địa phương; có chính sách thu hút đầu tư vào ngành dịch vụ du lịch, giải trí; quy hoạch các điểm nhấn trên Vịnh mang tính sáng tạo và bền vững. Các khu vực khai thác than, chuyển tải than ven bờ cần được sắp xếp lại để không làm mất mỹ quan, gây ô nhiễm vịnh. Tập trung phát triển du lịch cộng đồng, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương (nhất là dân chài trên Vịnh Hạ Long). Ưu tiên đầu tư vào các dự án bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan, bảo tồn môi trường tự nhiên của Vịnh Hạ Long. Phát triển các loại hình du lịch biển mang tính trải nghiệm là thế mạnh của Vịnh Hạ Long như: Du lịch lặn biển, du lịch leo núi, du lịch chèo thuyền kayak, du lịch văn hoá...
Hiểu rất rõ những điều chưa hoàn chỉnh của ngành Du lịch Quảng Ninh nói chung, du lịch Hạ Long nói riêng, gần đây, tỉnh đã và đang có những quyết tâm nhằm khắc phục những tồn tại, đổi mới hoạt động du lịch. Tại hội nghị bàn về đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch Quảng Ninh, do Sở VH-TT&DL tổ chức ngày 3-12-2011, đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, đã chỉ rõ: Để du lịch Quảng Ninh thực sự phát triển bền vững thì chính quyền, nhân dân cần nêu cao tinh thần quyết tâm đổi mới, bắt đầu từ nếp nghĩ đến cách thức hành động. Ngành Du lịch cần phát huy những tiềm năng, đầu tư chiều sâu, đổi mới cách thức kinh doanh, chú trọng xây dựng thương hiệu riêng, đưa du lịch Quảng Ninh phát triển xứng tầm, đẳng cấp hơn. Đồng thời, cần làm tốt công tác quy hoạch du lịch, đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực kinh doanh, đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ, nhằm nâng cao chất lượng du lịch.
Được biết, tỉnh đang xin cơ chế để kêu gọi đầu tư một tổ hợp vui chơi giải trí, casino trị giá khoảng 4 tỉ USD vào Vân Đồn để biến nơi này thành điểm nhấn của du lịch Quảng Ninh. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ninh 2012 vừa qua, dự án này đã nhận được sự ủng hộ của các thành viên Chính phủ. Cùng với đó, tỉnh cũng đang mời các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào thực hiện các công trình vui chơi, giải trí đẳng cấp ở Hạ Long, như: dịch vụ leo núi, du thuyền, lặn biển, các khu phố thương mại, trung tâm mua sắm lớn, trò chơi cảm giác mạnh…
Phát triển du lịch bền vững, tăng trưởng từ “nóng” sang “xanh”, từ phát triển chưa bền vững sang phát triển bền vững đã và đang là mục tiêu chung của du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Vịnh Hạ Long có đủ tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp tích cực và đáng kể trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước./.