Phát huy thế mạnh du lịch ở hồ thủy điện Na Hang (Tuyên Quang)
Giàu tiềm năng du lịch
Điểm nhấn của du lịch lòng hồ thủy điện Tuyên Quang trước hết là công trình Nhà máy thủy điện. Kể từ khi được tích nước, hồ thủy điện Tuyên Quang trở thành một vùng non nước rộng hơn 8.000ha mặt nước, với 99 ngọn núi hùng vĩ có hình dáng độc đáo khác nhau. Xung quanh hồ là những dãy núi trùng điệp vẫn còn giữ nguyên vẻ hoang sơ.
Trên đường đi vãn cảnh lòng hồ, du khách sẽ được ghé thăm thác Mơ, một trong những thác nước đẹp nhất cả nước. Thác Mơ có 3 tầng, ở tầng thứ nhất, du khách sẽ cảm nhận được sức mạnh của thác nước với tiếng thác đổ ào ào, tầng thứ 2 du khách sẽ được đắm mình trong khung cảnh kỳ vĩ với dòng nước nhẹ nhàng luồn qua những kẽ đá, những hang động nhũ đá lung linh huyền ảo. Khi leo đến tầng cuối cùng của thác, 99 ngọn núi hùng vĩ sẽ hiện ra trước mắt.
Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ-Bản Bung còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, nguyên thủy với hàng nghìn loài thực vật, động vật quý hiếm, trong đó có những loài được ghi trong Sách Đỏ thế giới.
Bên cạnh đó, hồ thủy điện này còn có hang Phia Vài (nơi phát hiện ra hai di tích mộ táng và một di tích bếp lửa thuộc thời đồ đá cách đây 10.000 năm) và hang Thẩm Choóng (thuộc bản Không Mây, xã Năng Khả, huyện Na Hang) - nơi cư trú của người nguyên thủy sống ở giai đoạn sơ kỳ đá mới, có niên đại khoảng 7.000-8.000 năm trước.
Nơi đây còn có hệ thống các chùa chiền, đền miếu rất phong phú. Trong khu lòng hồ thủy điện Tuyên Quang đã có 10 di tích được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp Quốc gia nổi tiếng linh thiêng như đền Pác Tạ (thị trấn Nà Hang); chùa Phúc Lâm, Hang Phia Vài, động Song Long, thác Nặm Me (xã Khuôn Hà); hang Phia Muồn (xã Sơn Phú)...
Ngoài ra, nơi đây cũng là vùng đất sinh sống của trên 10 dân tộc (Tày, Dao, H’Mông, Nùng...) với những phong tục tập quán khác nhau cùng các làn điệu hát then, hát lượn (dân tộc Tày), hát sli (dân tộc Nùng)... tạo nên không gian văn hóa đa sắc màu. Đối với du khách là người nước ngoài, đây chính là cơ hội để tìm hiểu nét văn hóa độc đáo của các dân tộc bản địa.
Biến tiềm năng thành hiện thực
Năm 2011, tuyến du lịch lòng hồ thủy điện Tuyên Quang chỉ đón 985 đoàn với trên 12.000 lượt khách tham quan, trong đó khách quốc tế có 81 lượt, doanh thu dịch vụ vận chuyển khách bằng đường thủy đạt trên 997 triệu đồng.
Trong quý 1 năm 2012, du lịch lòng hồ thủy điện chỉ thu hút 244 đoàn với gần 4.600 lượt khách du lịch, trong đó chỉ có 5 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt trên 260 triệu đồng.
Trong những năm qua, chính quyền địa phương đã chú trọng đầu tư phát triển du lịch như thực hiện Quy hoạch xây dựng Khu du lịch sinh thái Na Hang lấy Khu lòng hồ thủy điện làm điểm nhấn; khôi phục một số lễ hội truyền thống (Lễ hội Lồng Tông, Lễ hội Xuân…), tôn tạo các đền miếu, quy hoạch các bến tàu, các điểm du lịch, xây dựng các làng văn hóa du lịch; bồi dưỡng nghiệp vụ phát triển du lịch cho cán bộ và đại diện các hộ gia đình kinh doanh nhà hàng, khách sạn...
Tuy nhiên, hệ thống nhà nghỉ trên địa bàn còn hạn chế cả về chất lượng và số lượng. Cơ sở hạ tầng còn yếu và thiếu, các dịch vụ du lịch cũng chưa được đầu tư.
Ông Lương Minh Chính, Phó Trưởng ban, Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Na Hang cho biết mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu đón tiếp khách và khu Lâm viên Phiêng Bung với hệ thống khu nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí hiện đại. Đây sẽ là cơ hội lớn để du lịch lòng hồ thủy điện Tuyên Quang có bước đột phá.
Tuy nhiên, để du lịch hồ thủy điện Tuyên Quang phát triển, xứng tầm “Hạ Long trên cạn,” tỉnh Tuyên Quang nói chung và huyện Na Hang nói riêng cần đẩy mạnh xã hội hóa kinh tế du lịch, hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển các tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh các hoạch động quảng bá, giới thiệu, thu hút khách tham quan, các nhà đầu tư.
Mặt khác, tỉnh cũng cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ các hướng dẫn viên du lịch, đa dạng hóa các loại hình cũng như dịch vụ du lịch./.