Thanh Hóa: Giữ gìn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ
Ðây không những là sự kiện tôn vinh một di sản văn hóa, kiến trúc lịch sử độc đáo mà còn nhằm xây dựng ý thức trách nhiệm, cùng chung tay hành động để giữ gìn và phát huy các giá trị mà ông cha để lại.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, sự khắc nghiệt của thiên nhiên và nhiều khi là sự vô ý thức của con người, đã hơn sáu thế kỷ, Thành Nhà Hồ (Thành Tây Ðô) vẫn sừng sững, uy nghi, trường tồn trên vùng đất xứ Thanh, gợi nhớ một thời kỳ lịch sử đầy biến cố. Về mặt kiến trúc, trước hết, đây là một công trình quân sự vững chắc để phòng thủ, đối phó với những cuộc tiến công của quân xâm lược phong kiến phương bắc. Thành Nhà Hồ đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh và trí tuệ, tài năng của nhân dân ta, một trung tâm quân sự, hành chính và cũng là một kiệt tác kiến trúc, điêu khắc đá độc đáo của cả vùng Ðông-Nam Á lúc bấy giờ.
Với ý nghĩa là một Di sản văn hóa thế giới, đối tượng người đến nghiên cứu, tham quan không dừng ở trong nước mà còn có nhiều khách quốc tế, các nhà khoa học, những người am hiểu và yêu mến văn hóa, kiến trúc cổ. Do vậy, người quản lý di sản phải đặt Thành Nhà Hồ trong mối quan hệ văn hóa, kinh tế, chính trị, an ninh xã hội để tôn tạo, tu bổ và phát huy tác dụng mới có hiệu quả. Chính vì vậy, cần có bước đi đúng và vững chắc cho việc thực hiện quy hoạch chi tiết, sát thực tế để phát triển du lịch dựa trên quy hoạch tổng thể. Nếu nói du lịch mà không tính đến cách làm kinh tế có hiệu quả thì không thể phát triển được văn hóa một cách toàn diện và bền vững. Thành Nhà Hồ là một trong những trọng điểm trong quy hoạch tổng thể của du lịch xứ Thanh. Hiện, di sản này mới có danh hiệu quốc tế mà chưa có những giải pháp hữu hiệu để phát huy giá trị đúng tầm với vị thế di sản thế giới.
Trước hết, Thành Nhà Hồ phải được bảo vệ nguyên trạng đúng diện mạo đã có ban đầu, rất tối kỵ làm biến dạng di tích, bao gồm: cổng thành, thành đá bao quanh và các hiện vật trong thành như rồng đá, móng nhà đá, móng nhà ở khu điện. Ðồng thời, xác định chính xác các hạng mục chung quanh thành của di tích như hào thành, la thành, các vị trí khác của di tích theo kiến trúc thời đó, kể cả hạ tầng còn dưới lòng đất, để vừa phát huy tác dụng, vừa nghiên cứu khoa học một cách thận trọng, tránh việc khai quật vội vàng. Việc khảo cổ dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học biện chứng, đủ cứ liệu, có trọng điểm và phải biết lắng nghe có chọn lọc ý kiến của các nhà chuyên môn, các nhà quản lý và nhân dân.
Ðể phát huy giá trị của Di sản văn hóa Thành Nhà Hồ, một việc làm có tính tiên quyết là sớm có khu nhà đón tiếp khách, có trang thiết bị chuyên dùng cao cấp với chất lượng hiện đại, phục vụ du khách. Ðồng thời, có nơi giới thiệu khái quát giá trị văn hóa Thành Nhà Hồ trong tiến trình lịch sử phong kiến Việt Nam ở cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15 cũng như ý nghĩa thời đại của di tích này. Qua đây, họ có dịp hiểu biết về văn hóa vùng, miền của Thanh Hóa, kể cả văn hóa vật thể, phi vật thể, văn hóa ẩm thực, vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh và các điểm đến tham quan tiếp theo. Cũng trong quần thể khu hành chính nghiệp vụ, nên có nhà bảo tàng trưng bày các tư liệu, hiện vật khảo cổ học, kể cả những tư liệu bổ trợ khác có liên quan quá trình biến đổi lịch sử trước và sau triều Hồ, quan tâm đúng mức và sớm có khu dịch vụ như bán hàng lưu niệm, nhà vệ sinh phục vụ du khách. Bên cạnh đó, cần xây dựng một ngôi đền tại địa điểm thích hợp để nhân dân có nơi dâng hương tưởng niệm những người yêu nước trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh và những người đã có công xây dựng nên công trình kiến trúc đá đồ sộ. Trong phòng trưng bày nên có mô hình, mô phỏng tổng thể cấu trúc kinh thành nhà Hồ. Trong quy hoạch phát triển du lịch Di sản Thành Nhà Hồ, cũng nên sớm có phương án tạo mối liên kết với các làng nghề truyền thống, nhất là khai thác và phục hồi văn hóa phi vật thể như lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian. Kể cả việc nghiên cứu tìm hiểu dấu vết về múa hát cung đình ở khu vực dân cư.
Công tác quảng bá, tuyên truyền, xây dựng hình ảnh du lịch Di sản Thành Nhà Hồ thu hút du khách sẽ không thể tách rời việc xây dựng thị trấn Vĩnh Lộc, một địa điểm được ví như nơi mở cửa đón khách đến với di sản. Vì vậy, thị trấn Vĩnh Lộc phải được nâng cấp thành một đô thị dịch vụ du lịch, theo hướng huy động các nguồn lực xã hội trong đầu tư khách sạn, nhà hàng và những dịch vụ liên quan du lịch, phục vụ khách tham quan. Cùng với huyện Vĩnh Lộc, Ban quản lý Thành Nhà Hồ sớm có kế hoạch đào tạo cán bộ hướng dẫn du lịch có bài bản, nhất là cán bộ chuyên ngành sử, bảo tồn, bảo tàng, cán bộ vừa có chuyên môn sâu tâm huyết với ngành và thạo tiếng nước ngoài, v.v.
Ðiều quan trọng là phải đặt Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ là trọng tâm trong mối quan hệ với các di tích trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Từ Thành Nhà Hồ, du khách có thể đến các điểm di tích khác như quần thể điện Lam Kinh, khu Sơn Lăng, đền thờ Lê Lợi, Lê Lai, căn cứ Hội thề Lũng Nhai và các di tích, thắng cảnh vệ tinh khác,…. Lợi thế phát huy tác dụng của giá trị Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ sẽ giúp du lịch xứ Thanh phát triển theo chiều hướng mở rộng, tạo ra sức bật mới. Ban quản lý Thành Nhà Hồ cần mở rộng đối tác với các tổ chức du lịch trong nước và giao lưu văn hóa với các di sản ở các địa phương khác trong khu vực.
Ban quản lý Thành Nhà Hồ cần có phương án phối hợp các tỉnh, thành phố có những di sản thế giới đã được UNESCO công nhận để tổ chức giao lưu quảng bá giá trị Di sản như "Kinh đô xưa và nay", "Người đẹp Kinh đô", "Hát múa cung đình", "Ẩm thực cung đình", v.v. Từ đó, xây dựng nên các sản phẩm du lịch, các tua, tuyến mang tính liên vùng, góp phần từng bước thỏa mãn nhu cầu văn hóa thông qua hoạt động du lịch và phát huy giá trị di sản, tăng nguồn thu, nâng cao mức sống an sinh xã hội cho địa phương. Trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đẩy mạnh hoạt động du lịch trong nước, cần phải vươn đến các nước trong khu vực, tạo ra những điểm nhấn có chất lượng trong công tác lữ hành, góp phần phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, việc cần làm ngay trước mắt để chuẩn bị cho một mùa du lịch mới, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa nói chung và địa phương nơi có di sản cần xây dựng một môi trường văn hóa, du lịch lành mạnh. Về lâu dài, cần thường xuyên tập huấn, giáo dục những người tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng hình ảnh một điểm đến thật sự hấp dẫn, xứng tầm với danh hiệu Di sản văn hóa thế giới./.