Hoạt động của ngành

Thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: Trọng tâm là đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá

Cập nhật: 07/08/2008 08:08:23
Số lần đọc: 2909
Khách tăng nhưng chưa đạt kế hoạch trong 7 tháng đầu năm 2008, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 2.619.287 lượt khách, tăng 10,6% so với 7 tháng đầu năm 2007.

Mặc dù lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 7 tháng đầu năm tăng, nhưng mức tăng trưởng không được như kỳ vọng. Lượng du khách đến từ các thị trường truyền thống và có số lượng lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ có dấu hiệu giảm sút từ 3,7-8,3% so với cùng kỳ năm 2007.

 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình (Tổng cục Du Lịch) lý giải: Nguyên nhân của tình trạng giảm lượng khách du lịch tới Việt Nam là do tình hình kinh tế thế giới cũng như ở Việt Nam đã gặp phải rất nhiều khó khăn như giá dịch vụ du lịch tăng cao khoảng 30% so với năm 2007. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tác động dây chuyền ảnh hưởng đến lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được chú trọng đúng mức cũng là nguyên nhân khiến lượng khách du lịch quốc tế giảm. Ngoài ra sự phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch và các ngành khác chưa được chặt chẽ nên dịch vụ du lịch Việt Nam chưa đa dạng, giá dịch vụ du lịch còn khá cao so với các nước trong khu vực. Cùng với đó là các vấn đề khác như: giao thông, quy hoạch đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm... chưa được giải quyết triệt để đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng phục vụ và khả năng cạnh tranh thu hút khách du lịch. Du lịch Việt Nam còn nhiều hạn chế như cơ sở hạ tầng còn kém, cùng với đó là chất lượng phục vụ chưa cao... Điều này dẫn đến tình trạng lượng khách du lịch quay trở lại không nhiều.

 

Giải pháp nào để thu hút khách

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Trần Chiến Thắng cho biết: Để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thì giải pháp chủ yếu là tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến. Từ nay đến cuối năm 2008, ngành du lịch sẽ chi khoảng 16 tỷ đồng để quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam trên các phương tiện truyền thông quốc tế như CNN, Discovery cũng như các đài truyền hình ở các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam như kênh KBS - Hàn Quốc, NHK - Nhật Bản; các kênh truyền hình các tỉnh gần Việt Nam củaTrung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam; trên các báo Singapore, Malayxia, Thái Lan, Cam-pu-chia; mời các đoàn khảo sát du lịch quốc tế đến viết bài về du lịch Việt Nam . Phối hợp chặt chẽ với ngành hàng không, ngoại giao, giao thông vận tải đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến quảng bá cho du lịch Việt Nam như quảng bá cho Năm du lịch Cần Thơ 2008.

 

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh du lịch đường bộ, đường biển, đường hàng không vàoViệt Nam. Tổ chức các chương trình khảo sát lữ hành nhằm hỗ trợ các địa phương đầu tư đa dạng hoá các loại hình du lịch, khai thác hiệu quả và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đa quốc gia, đặc biệt là tour caravan, chương trình khảo sát vòng cung Tây - Đông Bắc Việt Nam. Để thu hút khách du lịch đến từ thị trường Hàn Quốc, lãnh đạo Tổng cục Du lịch tổ chức các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo du lịch của Hàn Quốc để tìm ra giải pháp cụ thể, tiến hành đào tạo các hướng dẫn viên du lịch người Hàn Quốc…Chú trọng việc khai thác thế mạnh gắn kết 3 ngành là du lịch, văn hoá, thể thao, từ đó tạo nên các tour du lịch hấp dẫn như phối hợp ngành văn hoá để khai thác hệ thống bảo tàng tại Hà Nội, các loại hình biểu diễn dân gian, các giá trị văn hoá Việt cổ…

 

Từ nay đến cuối năm, Tổng cục Du lịch tổ chức Diễn đàn du lịch ASEAN – ATF 2009 với chủ đề “Du lịch ASEAN hướng tầm cao mới” và TRAVEX 2009 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Ngoài ra, Tổng cục đã xây dựng được trang website thường xuyên cập nhật thông tin, chuẩn bị nhiều ấn phẩm với nội dung phong phú để tuyên truyền quảng bá cho hình ảnh đất nước và du lịch Việt Nam. Phối hợp với các hoạt động của doanh nghiệp các địa phương từ tháng 7 đến tháng 9/2008, sẽ áp dụng “mùa giảm giá” cho du lịch

 

Ông Trần Chiến Thắng cho biết thêm:Bên cạnh việc triển khai các dự án, đề án phát triển du lịch từ nay đến năm 2020 và định hướng đến 2030, Tổng cục Du lịch Việt Nam còn phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương, doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch vào Việt Nam. Tranh thủ sự hỗ trợ từ các mối quan hệ hợp tác song phương, đa phương cho phát triển du lịch như sự hỗ trợ của chính phủ Tây Ban Nha thông qua cơ quan hợp tác quốc tế Tây Ban Nha - AECI, phối hợp triển khai dự án quy hoạch phát triển du lịch thành phố Huế.

Nguồn: Kinh tế & Đô thị

Cùng chuyên mục