Phát triển du lịch Tây Nguyên theo hướng sinh thái và văn hóa
Đánh giá về tình hình khai thác tiềm năng du lịch trong khu vực, ông Mai Văn Năm, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết: Tây Nguyên là vùng đất lý tưởng để làm du lịch vì có điều kiện thuận lợi để tạo nên những sản phẩm đặc trưng, riêng biệt, hấp dẫn du khách. Đây là nơi có nhiều thắng cảnh và khu hệ động thực vật phong phú, nhiều tiểu vùng có khí hậu ôn hoà mát mẻ thích hợp với loại hình du lịch nghỉ dưỡng và du lịch hội nghị. Tây Nguyên còn là nơi có tiềm năng du lịch văn hoá với một hệ thống các buôn, bon, làng, plei cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số- nơi còn giữ được những đặc điểm cấu trúc sinh hoạt, ngành nghề thủ công truyền thống và hàng chục lễ hội đặc sắc có ở hầu hết các dân tộc bản địa mà du khách cần tìm hiểu, khám phá. Nhiều di tích lịch sử, văn hoá mà xét về tính độc đáo, tính đa dạng cũng như mức độ nổi tiếng đều có giá trị và sức thu hút lớn... Nơi đây hội đủ những yếu tố mà bất cứ du khách nào cũng ao ước một lần đến thăm!
Nắm bắt được tiềm năng và lợi thế, trong những năm qua, ngành Du lịch, chính quyền địa phương 5 tỉnh Tây Nguyên và các nhà doanh nghiệp, những người làm du lịch đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành và phát triển nhiều loại hình du lịch góp phần rất quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế- xã hội toàn khu vực. Các doanh nghiệp và địa phương đã đẩy mạnh việc quảng bá, phát triển; xây dựng nhiều hình ảnh đẹp đẽ về những tuyến du lịch gắn liền với các vùng tự nhiên còn nguyên sơ và các buôn làng dân tộc thiểu số chưa có sự pha trộn, còn đậm đặc bản sắc Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa danh như Đà Lạt, Buôn Đôn... đã trở thành những điểm đến nổi tiếng có thương hiệu trong nước và quốc tế; nhất là Đà Lạt không những có nhiều danh lam thắng cảnh mà hệ thống hạ tầng cùng môi trường kinh doanh du lịch thuận lợi cũng đã được xây dựng đảm bảo...
Tham luận tại cuộc gặp gỡ, nhiều đại biểu cũng đã nêu bật về hạn chế chung của du lịch Tây Nguyên hiện nay là việc đầu tư cho du lịch còn manh mún và chưa đủ tầm. Với tài nguyên du lịch phong phú và trải đều ở khắp nơi nhưng cho đến nay các điểm, các tuyến du lịch ở Tây Nguyên vẫn chưa được tổ chức thành một hệ thống hoàn chỉnh, làm cơ sở để xây dựng các chương trình du lịch đa dạng. Hệ thống tuyến du lịch đang khai thác còn ít và rời rạc, chưa tạo được sự liên kết phối hợp giữa các địa phương trong cùng một loại hình tài nguyên. Ấn tượng về các điểm đến ở Tây Nguyên chưa thực sự lôi cuốn do chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch còn đơn sơ, tạo cảm giác trùng lặp, đơn điệu, chưa đi vào khai thác sự độc đáo khác biệt của từng vùng, từng điểm, từng loại hình...
Những người làm du lịch Tây Nguyên cũng đã đưa ra nhiều ý kiến mang tính giải pháp nhằm thúc đẩy du lịch Tây Nguyên phát triển hơn nữa. Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh: “Chúng tôi đã và đang triển khai một dự án lớn mang tên “Con đường xanh Tây Nguyên”, dự án này thành công sẽ tạo nên một mạng lưới du lịch hấp dẫn, có khả năng thu hút hàng triệu khách quốc tế và trong nước đến Tây Nguyên mỗi năm. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông cần phải được đẩy nhanh hơn nữa. Mong rằng qua cuộc gặp gỡ này sẽ tạo nên một sự liên kết chặt chẽ cả trong đầu tư và quảng bá thương hiệu; mối quan hệ giữa các địa phương, của những người làm du lịch sẽ ngày càng gắn kết liên hoàn để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, góp phần quan trọng trong nền kinh tế quốc dân”.