Hoạt động của ngành

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ với chương trình: Du lịch về cội nguồn năm 2009

Cập nhật: 03/12/2008 09:12:33
Số lần đọc: 2334
Chương trình du lịch về cội nguồn được công bố vào năm 2005, sau 4 năm triển khai đã dần trở thành một thương hiệu đặc sắc, thể hiện cách làm mới trong hoạt động du lịch là tạo ra mối liên kết vùng để phát triển.

Với một phạm vi lãnh thổ rộng lớn gồm 3 tỉnh thượng nguồn sông Hồng - nơi có nhiều di tích, danh lam, thắng cảnh gắn liền với du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và nhiều giá trị văn hoá phi vật thể đặc sắc; nơi cội nguồn dân tộc Việt Nam; các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai đã từng bước khai thác các tiềm năng sẵn có, đầu tư tạo thêm các năng lực mới để đón và phục vụ du khách trong nước và quốc tế, dần đưa du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế có vị trí mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo và làm giàu cho mỗi địa phương.

 

Năm 2009, tỉnh Phú Thọ được phân công là trưởng nhóm hợp tác phát triển du lịch gồm Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch được UBND tỉnh giao nhiệm vụ thường trực Ban Tổ chức Chương trình Du lịch về cội nguồn đang tích cực triển khai việc xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá, tổ chức lễ khai mạc cũng như các hoạt động du lịch trong tỉnh và liên kết 3 tỉnh trong khu vực.

 

Là tỉnh trưởng nhóm hợp tác phát triển du lịch, năm 2009, cùng với mục tiêu chung của cả 3 tỉnh là đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch; xã hội hoá hoạt động du lịch, dịch vụ; Phú Thọ hướng tới mục tiêu thông qua các lễ hội, các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch để khôi phục, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống; quảng bá tiềm năng phát triển du lịch để thu hút đầu tư và thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần đưa du lịch, dịch vụ sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đồng thời với mục tiêu kinh tế, từng bước xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể làm căn cứ xây dựng hồ sơ “Không gian văn hoá Hùng Vương” đề nghị tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Chương trình Du lịch về cội nguồn năm 2009 sẽ được lồng ghép với chương trình Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam mà lễ khai mạc dự kiến sẽ được tổ chức vào tối 31/01/2009 (tức tối mùng 6 tháng giêng năm Kỷ Sửu) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Sau lễ khai mạc chương trình, Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch sẽ hướng dẫn và phối hợp với các huyện, thành, thị tổ chức tốt các lễ hội và các hoạt động văn hoá, du lịch trong tỉnh. Từ 30/01 đến 01/02/2009 (tức ngày 5 đến ngày 7 tháng giêng năm Kỷ Sửu) cùng với huyện Hạ Hoà tổ chức lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ. Cùng thời gian trên tại xã Hà Thạch- thị xã Phú Thọ tổ chức lễ hội đình Hà Thạch với nhiều hoạt động diễn xướng dân gian, thi đấu các môn thể thao truyền thống. Từ ngày 4 đến 6/02 tổ chức lễ hội Trò Trám ở xã Tứ Xã huyện Lâm Thao- một lễ hội hết sức đặc sắc với các trò diễn xướng dân gian như lễ mật “Linh tinh tình phộc”, rước lúa thần, trình nghề “tứ dân tri nghiệp”, trình trò “Bách nghệ khôi hài”... Từ ngày 5 đến 7/02 (tức ngày 11 đến 13 tháng giêng năm Kỷ Sửu), Sở cùng với huyện Tam Nông tổ chức Hội phết tại xã Hiền Quan - một lễ hội được ghi trong danh mục lễ hội của cả nước. Trong những ngày đầu xuân, trên đất Tổ còn có Hội rước voi Đào Xá - Thanh Thủy, Lễ hội đình Phương Xá - Cẩm Khê, lễ hội đình Thạch Khoán- Thanh Sơn, lễ hội đình Du Yến- Thanh Ba, lễ hội đình Ngọc Tân- Đoan Hùng và đặc biệt là Hội chọi trâu huyện Phù Ninh, một lễ hội mới được khôi phục những năm gần đây, được tổ chức từ ngày 13 đến 15 tháng 2 năm Kỷ Sửu. Tại hai huyện miền núi là Tân Sơn và Yên Lập, cũng trong dịp đầu năm Kỷ Sửu, ngành Văn hóa- Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp tổ chức ngày hội văn hóa, du lịch với nhiều nội dung phong phú. Đặc biệt, Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng là sự kiện lớn nhất về văn hóa - du lịch của năm 2009, do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì, có mời TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Đồng Nai tham gia phối hợp. Đồng thời với lễ hội Đền Hùng là các hoạt động văn hóa- thể thao- du lịch- dịch vụ như Hội chợ Hùng Vương 2009, Hội chợ hoa quả Việt Nam 2009, Hội thảo khoa học về xây dựng hồ sơ văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa Hùng Vương”, triển lãm sách về thời đại Hùng Vương, giải quần vợt hữu nghị - Đền Hùng 2009, Hội báo xuân 2009, thi và triển lãm ảnh nghệ thuật “Ấn tượng cội nguồn”... Đầu quý 4/2009, tại Phú Thọ sẽ có các hoạt động kỷ niệm 62 năm chiến thắng Sông Lô, Hội thi hát dân ca và giải bóng chuyền 3 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai...

 

Cùng với việc chuẩn bị các nội dung cho lễ khai mạc chương trình Du lịch về cội nguồn, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của trung ương và của 3 tỉnh, các hãng du lịch lữ hành tích cực tuyên truyền, quảng bá các tiềm năng, hoạt động và sản phẩm du lịch đã có; đồng thời phối hợp với các ngành bàn cơ chế đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch và dịch vụ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách đến với Phú Thọ và vùng văn hóa đặc sắc thuộc các tỉnh thượng nguồn sông Hồng. Sở Văn hóa- Thể thao - Du lịch đang chuẩn bị cho việc tổ chức họp báo rộng rãi tại Thủ đô Hà Nội về Chương trình Du lịch về cội nguồn 2009; đồng thời có kế hoạch phối hợp chỉ đạo các cơ sở du lịch, dịch vụ trong tỉnh nâng cao năng lực về cơ sở vật chất để đảm bảo du khách hành hương về Phú Thọ- vùng đất cội nguồn dân tộc Việt Nam - được phục vụ ăn, nghỉ chu đáo, an toàn, tạo dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn, tình cảm hướng tới tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, trong thực hiện nhiệm vụ, ngành Văn hoá - Thể thao và Du lịch Phú Thọ đang phải đối mặt với một số khó khăn về nguồn lực và cơ chế để phát triển. Dù đã có được những thành quả nhất định, nhưng thành quả ấy chưa tương xứng với tiềm năng và thể hiện sự bất cập về nguồn lực đầu tư cho du lịch, dịch vụ. Hiện nay, cơ sở hạ tầng cho du lịch Phú Thọ vẫn ở tình trạng nghèo nàn. Chúng ta đã có những dự án như xây dựng, tôn tạo công viên Văn Lang, Khu di tích lịch sử Đền Hùng, khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy, Vườn quốc gia Xuân Sơn... cùng hệ thống khách sạn, nhà hàng có thể tạo bước đột phá cho sự phát triển du lịch nhưng tiến độ triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn- mà khó khăn chủ yếu là thiếu vốn. Trong khi khả năng thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế vào lĩnh vực này chưa cao, thì vốn từ ngân sách đáp ứng rất hạn hẹp. Việc thực hiện chủ trương “xã hội hoá” hoạt động du lịch cũng chưa huy động được các nguồn lực để nâng cao chất lượng và tạo ra các sản phẩm mới về du lịch, dịch vụ để hấp dẫn du khách. Cùng với vật lực là nhân lực. Ngành du lịch hiện tại vẫn còn thiếu đội ngũ hướng dẫn viên, phục vụ buồng, bàn và làm công tác xúc tiến du lịch để có thể bảo đảm tính chuyên nghiệp trong kinh doanh, phục vụ.

 

Nếu như Sở Văn hóa thông tin trước đây trong vai trò ngành thường trực Ban tổ chức Chương trình du lịch về cội nguồn, thì nay bước vào năm du lịch về cội nguồn 2009, trong cơ cấu tổ chức Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, việc liên kết các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch sẽ thuận lợi hơn để đạt được hiệu quả cao hơn. Phát huy những mặt lợi thế, từng bước khắc phục khó khăn, hạn chế, ngành Văn hóa- Thể Thao và Du lịch Phú Thọ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ chức mà UBND tỉnh giao, góp phần cùng các ngành, các cơ quan, địa phương thực hiện thắng lợi Chương trình Du lịch về cội nguồn năm 2009 trên cả 2 phương diện: Xã hội và kinh tế.

Nguồn: Báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục