Hoạt động của ngành

Lập Quy hoạch tổng thể cấp quốc gia bảo tồn, tu bổ Thành nhà Hồ

Cập nhật: 19/04/2012 09:07:46
Số lần đọc: 2166
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 2431/VPCP-KGVX ngày 11/4/2012 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về việc lập Quy hoạch tổng thể cấp quốc gia bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ và các di tích phụ cận huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Thành nhà Hồ. Ảnh: Báo Thể thao & Văn hóa
Theo đó, Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan lập Quy hoạch tổng thể cấp quốc gia bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ và các di tích phụ cận, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó, cần lưu ý tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan.
 
Văn bản cũng nêu rõ, yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm trình dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Thành nhà Hồ hiện nay nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá). Đây là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam. Được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, thành này còn được gọi là Tây Đô (hay Tây Giai) để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long - Hà Nội). Xây xong thành, Hồ Quý Ly đã dời đô từ Thăng Long về Tây Đô.

Thành nhà Hồ gồm 3 bộ phận: La thành, Hào thành và Hoàng thành. La thành là vòng ngoài cùng, chu vi khoảng 4 km. Hào thành được đào bao quanh bốn phía ngoài nội thành, cách chân thành theo các hướng khoảng 50m. Công trình này có nhiệm vụ bảo vệ nội thành. Hoàng thành được xây dựng trên bình đồ có hình gần vuông. Chiều Bắc - Nam dài 870,5 m, chiều Đông - Tây dài 883,5 m. Bốn cổng thành theo chính hướng Nam - Bắc - Tây - Đông gọi là các cổng Tiền - Hậu - Tả - Hữu. Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Các phiến đá dài trung bình 1,5 m, có tấm dài tới 6 m, trọng lượng ước nặng 24 tấn. Tổng khối lượng đá được sử dụng xây thành khoảng 20.000 m³ và gần 100.000 m³ đất được đào đắp công phu.

Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng của cung điện xưa giờ vẫn đang nằm ẩn mình phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng.

Ngày 27/6/2011, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp), Thành nhà Hồ đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới./.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục