Non nước Việt Nam

Chùa Phước Hải (TP.HCM) : Một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia

Cập nhật: 12/08/2008 10:08:41
Số lần đọc: 2208
Chùa Phước Hải - tên xưa là chùa Ngọc Hoàng tọa lạc trên khu đất rộng 2.300 m2 tại quận 1, TP. Hồ Chí Minh, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX trên nền của chùa Minh Sư cũ. Đây là một trong những ngôi chùa cổ của cộng đồng người Hoa tại Nam Bộ. Chùa thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, các vị Bồ Tát, các vị thần thể hiện sự kết tinh tư tưởng chủ đạo của Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo, nhưng về sau chủ yếu theo tư tưởng đạo Phật.

Với giá trị kiến trúc, nghệ thuật độc đáo, chùa Phước Hải được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. Bố cục chùa khéo léo, qui mô, theo lối bề ngoài chữ Quốc, bề trong chữ Tam, ở giữa là hệ thống hạ điện, trung điện và thượng điện, chung quanh có hành lang bao bọc tạo nên một bầu không khí uy nghi, kín đáo. Các khung cửa chính được làm bằng đá tảng, được chạm khắc tinh xảo, tỉ mỉ. Mỗi bộ phận kiến trúc từ nhỏ đến lớn đều có sức chịu đựng bền lâu dù hình dáng, kích thước của chúng rất thanh nhã, cân xứng.

Nghệ thuật chạm trổ trang trí chùa rất đặc sắc. Họa tiết sử dụng nhiều nhất là các điển tích Trung Quốc được cách điệu hóa bằng những đường nét tinh tế, điêu luyện, phối hợp hài hòa giữa kỹ thuật thủ công và nghệ thuật trang trí. Và một trong những giá trị nghệ thuật tiêu biểu của chùa Phước Hải là nghệ thuật tạc tượng bằng giấy bồi hiếm có thể hiện qua 57 pho tượng chùa còn lưu giữ được. Các pho tượng được tạo tác rất công phu từ nếp áo quần, dáng vẻ, tư thế đứng ngồi đến nét mặt, vầng trán rộng, đôi mắt sáng… phản ánh nhiều sắc thái tình cảm, mô tả sinh động cuộc họp mặt của chư vị “thần thánh” về chầu Ngọc Hoàng. Nghệ thuật tạc tượng bằng giấy bồi nay đã thất truyền, các pho tượng có tuổi thọ hàng trăm năm này đang được bảo tồn, gìn giữ như những báu vật.

Ngày ngày, có rất đông du khách trong và ngoài nước đến vãn cảnh chùa Phước Hải. Có người đến lễ chùa để cầu được sự thành đạt, an vui; có người đến bởi sự huyền bí và kiến trúc cổ của ngôi chùa.

Nguồn: website VNP

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT