Thắng cảnh núi Trầm (Hà Tây cũ)
Núi Trầm hay còn gọi là Tử Trầm Sơn xưa kia là nơi vua Lê, chúa Trịnh đặt hành cung. Trải qua năm tháng, khu danh thắng núi Trầm vẫn còn lại nhiều di tích lịch sử, kiến trúc độc đáo. Đáng chú ý là 3 cụm công trình chùa gồm: Chùa Trầm Vô Vi, chùa Trầm Hang và chùa Long Tiên đã đạt đến sự hài hòa cao độ giữa núi non và chùa chiền, tạo cảm giác tự nhiên, thanh tịnh. Đặc biệt, chùa Trầm Vô Vi được xây dựng từ thế kỷ thứ X với hơn 100 bậc thang đá quanh co và quả chuông đồng đúc năm 1814 cùng nhiều pho tượng đá, văn bia khắc trên vách động, trống đá, khánh đá... Sự kết hợp hài hoà giữa cảnh núi non cùng chùa chiền đã tạo nên một vẻ đẹp độc đáo của khu di tích. Từ xa, ngắm nhìn, Tử Trầm Sơn có hình dáng tựa như những con phượng hoàng đang nhô cao đầu lên bầu trời. Chẳng thế mà, từ xa xưa, khu danh thắng núi Trầm đã được học giả Phan Huy Chú ca ngợi là nơi có “Phong cảnh đậm đà đẹp nhất trong các núi Sơn Tây”.
Không chỉ cổ kính với cảnh quan độc đáo, khu di tích danh thắng núi Trầm còn là nơi gắn với nhiều chiến công hiển hách trong lịch sử bảo vệ Tổ quốc của dân tộc từ thuở xa xưa. Đặc biệt, nơi đây đã ghi dấu lịch sử trong cuộc cách mạng của dân tộc ta chống thực dân, đế quốc. Trong những ngày đầu sau khi giành độc lập dân tộc, hang Trầm là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong nhiều ngày liền. Không những vậy, ngày 19/12/1946 khu danh thắng núi Trầm còn là nơi Đài tiếng nói Việt Nam đã phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sôi sục non sông. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1967 đến 1975, núi Trầm còn là hành dinh của Sở chỉ huy K12 nơi điều hành bộ máy chiến đấu gồm các binh chủng: Tên lửa, ra đa, không quân, cao xạ… Do có nhiều giá trị lịch sử văn hoá và lịch sử cách mạng nên khu di tích núi Trầm đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1962.
Với những giá trị to lớn về văn hoá kiến trúc, cảnh quan và lịch sử cách mạng, lại nằm cạnh quốc lộ 6, chỉ cách trung tâm thủ đô Hà Nội chưa đầy 20 km nên khu di tích núi Trầm có giá trị to lớn trong phát triển du lịch, giáo dục. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì công tác gắn kết giữa bảo tồn di tích với khai thác tiềm năng du lịch di tích lịch sử cách mạng, giáo dục còn bị lãng quên. Sản phẩm và chất lượng dịch vụ du lịch chưa được đầu tư đủ phục vụ du khách dừng chân. Tại khu di tích vẫn chưa hề có đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên về kiến trúc cảnh quan, về lịch sử cách mạng.
Những di tích, danh thắng có sự kết hợp hài hoà giữa phát triển du lịch và có ý nghĩa sống động về giáo dục truyền thống văn hoá, truyền thống lịch sử cách mạng lại không được chú trọng khai thác hết tiềm năng. Nên chăng ngành du lịch và địa phương cần có sự quảng bá, đầu tư đúng hướng, xây dựng tour, tuyến, dịch vụ du lịch, thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch am hiểu sâu sắc về những giá trị khu danh thắng để Tử Trầm Sơn vừa mang lại hiệu quả kinh tế du lịch mà còn mang lại cả những ý nghĩa về giáo dục lịch sử cách mạng sâu sắc.