Tháng 9 năm nay, Khu du lịch Đại Nam ở ấp 1, xã Hiệp An, TX.Thủ Dầu Một, Bình Dương chính thức hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động. Đây là một tin vui với người dân trong tỉnh, cũng như nhiều vị khách yêu thích du lịch trong cả nước. Đến đây tham quan du khách sẽ tận mắt chứng kiến những cảnh quan hùng vĩ của núi sông, đặc biệt hơn cả là sự tái hiện lịch sử văn hóa Việt Nam từ thời tiền sử cho đến nay.
Là lần thứ 2 tôi được đến đây tham quan. Cách với chuyến đi trước không xa lắm, nhưng sự thay đổi nhanh chóng ở Đại Nam khiến nhiều đồng nghiệp của tôi trong đoàn đi hôm ấy phải ngỡ ngàng. Nhiều thành lũy, khu trò chơi, vườn thú… đều đã nên hình. Chị Thụy Cúc một đồng nghiệp ở báo T.T, một người đam mê du lịch có cảm nghĩ: “Khi khu du lịch này đi vào hoạt động, người ta không chỉ biết đến Bình Dương về phát triển công nghiệp. Khu du lịch có tầm vóc lớn, có thể sánh tầm với khu vực và thế giới. Tất cả đều mang đậm nét văn hóa lịch sử đáng tự hào của dân tộc ta”.
Điểm nhấn quan trọng mang đậm nét văn hóa, lịch sử ở Khu du lịch Đại Nam được thể hiện nổi bật qua hai công trình trọng điểm: Đó là đền thờ Đại Nam Quốc Tự và dãy núi Bảo Sơn. Hai công trình trọng điểm này được bao bọc bởi một con sông nhỏ tên gọi là Bảo Giang dài 720m, tạo cảnh quan hoàn hảo của Tiền sơn - Hậu thủy. Đại Nam Quốc Tự là một công trình mang kiến trúc thời Lý, với diện tích 5.000m2 được chia làm 2 tầng. Tầng trệt là nơi trưng bày hiện vật truyền thống của lịch sử dân tộc Việt Nam. Các hiện vật được trưng bày ở đây đều được tái tạo lại bằng gốm sứ. Tầng thờ tự được chia làm 4 ân, công cha nghĩa mẹ, đất Phật và các anh hùng dựng nước, mẹ Âu Cơ, bách gia trăm họ. Ngoài các bức tượng được dát bằng vàng 24K như tượng Bác, tượng Vua Hùng, Phật tổ thì mỗi chi tiết, hoa văn trong đền thờ đều đạt sự tinh xảo về chạm trổ, điêu khắc, thể hiện văn hóa Việt Nam. Các trận đánh lịch sử qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ được tái tạo lại bằng những hình ảnh sinh động trên 4 bức tường, cửa gỗ. Những hình ảnh sơ khai từ thời dựng nước và giữ nước của các đời vua cũng đã được thể hiện.
Án ngự trước cổng vào đền thờ là một hồ Bán Nguyệt. Hồ được bao bọc bởi 54 cột nước, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em. Một trụ nước chính phun thẳng cao 27m có hình búp sen thể hiện sự thanh cao, tinh thần ý chí vươn lên. Sau lưng là dãy núi Bảo Sơn gồm 5 ngọn núi liên hoàn cao 65m, dài 250m, được đánh giá là ngọn núi nhân tạo cao nhất Việt Nam (đến thời điểm này). Các hạng mục xây dựng theo tích núi Ngũ Hành, đồng thời mang ý nghĩa bao hàm của kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Lòng núi là sự tái hiện lịch sử dân tộc Việt Nam qua từng giai đoạn từ thời dựng nước đến nay, như hình ảnh Thánh Gióng đánh giặc, văn minh lúa nước… Du khách có thể tham quan các ngọn núi này bằng đường thang bộ lẫn thang máy. Vươn lên từ ngọn núi trung tâm của Bảo Sơn nhìn ra hướng nam là ngôi tháp 9 tầng, còn gọi là Bảo Tháp (5 tầng chìm khuất trong dãy núi). Đây là nơi thờ phụng tâm linh và truyền thống bất khuất của dân tộc Việt Nam, thể hiện sự tôn vinh của thế hệ sau đối với tổ tiên và tiền nhân. Công trình này được thể hiện bằng nghệ thuật điêu khắc chạm trổ truyền thống của nhiều làng nghề trên khắp đất nước. Nét đặc trưng trong nghệ thuật trang trí của ngôi Bảo Tháp là phong cách truyền thống sơn son thiếp vàng của người Việt xưa. Mỗi tầng tháp là nơi thời phụng với ý nghĩa riêng. Như thờ vong linh các anh hùng lịch sử Việt Nam, thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo, thờ 18 đời vua Hùng… Cách thờ tự này có sự tham khảo ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia, giáo sư sử học. Đặc biệt trong ngày khánh thành Bảo Tháp năm 2003, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã đem tặng 2 hũ nước, đất được lấy từ đền Vua Hùng và hiện đang được thờ tại tầng thứ 7 - nơi thờ 18 vị vua Hùng nên càng tăng thêm phần ý nghĩa. Khi đi vào hoạt động, công trình này mỗi tháng được mở cửa tham quan 4 lần, vào các ngày 30, 1, 14, 15. Theo ban lãnh đạo khu du lịch, ngày Giỗ tổ Hùng Vương những năm sắp tới, nơi đây sẽ diễn ra nhiều chương trình lễ hội, nhằm ôn lại truyền thống hào hùng thời dựng nước và giữ nước, để lớp trẻ có cơ hội hiểu thêm về cội nguồn dân tộc.