Độc đáo Vinh Mỹ, Thừa Thiên Huế
Dấu ấn làng xưa
Làng Mỹ Lợi - Vinh Mỹ thành lập năm 1562 do các ngài khai canh là ngư dân từ Lương Niệm, Sầm Sơn (Thanh Hoá) di cư vào Nam theo chúa Nguyễn Hoàng. Từ xưa Vinh Mỹ đã để lại cho đời những sản phẩm có thương hiệu “đệ nhất” về vườn tược nổi tiếng như: cau, mía, cam, mãng cầu, môn khoai... Đến bây giờ những thương hiệu ấy dân gian còn truyền tụng trong câu ca - Chỗ mô tươi cá là chỗ Đông Am/ Chỗ mô nhiều cam là nơi Mỹ Lợi; hay - Mía mã Nam Trường/Nương vườn Mỹ Lợi... Ngoài ra, làng Mỹ Lợi còn có nghề làm tơ tằm, dệt vải, nón lá; đặc biệt làm nghề khai thác thủy hải sản đầm biển cũng được xem là số một. Vào thập niên 17,18 Mỹ Lợi đã có đội tàu cá đánh bắt ngang dọc ở biển đông, không địa phương nào sánh kịp. Hàng năm giải quyết việc làm hàng trăm lao động nông nhàn, góp phần đắc lực trong việc xây dựng mở mang nghề biển lớn mạnh của đất nước sau này.
Theo nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An, cách đây hơn 250 năm, nơi đây đã lưu giữ nhiều giá trị văn hoá, giá trị lịch sử quan trọng của quốc gia, quốc tế. Đó là một văn bản bằng chữ Hán có khuôn dấu, khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nội dung tạm dịch “Tuần quan cửa biển biên hải là Thuận Đức hầu phê cho phường Mỹ Toàn về phường An Bằng... Vậy giao cho phường Mỹ Toàn bắt phường An Bằng đền tiền ba quan. Nay phê như vậy. Ngày 19 tháng 9 năm Cảnh Hưng 20 (6/11/1759)”. Văn bản xử lý việc kiện tụng của hai phường An Bằng (nay là làng An Bằng, xã Vinh An, Phú Vang và làng Mỹ Lợi). Nội dung văn bản trên được UBND tỉnh tổ chức bàn giao cho Bộ ngoại giao vào năm 2010.
Cũng theo khảo cứu từ nhà nghiên cứu văn hóa Huế, làng Mỹ Lợi không chỉ nổi tiếng về nương vườn, biển phá, nơi đây còn là miền quê văn hiến, hiếu học, thời nào cũng có người tài lược, thông thái tinh anh, giữ những chức vị quan trọng trong xã hội. Điển hình, như ông Hoàng Văn Tuyển (1824-1879), đậu Tiến sĩ khoa Tân Hợi (1851) từng làm Tổng đốc Bình Định và Thượng thư bộ Công; ông Hoàng Trọng Nhu năm 38 tuổi, đậu Cử nhân Khoa Kỷ Dậu (1909); ông Huỳnh Văn Tích, đậu Tú Tài, làm Tri huyện Hoà Đa (Bình Định). Đặc biệt, bà Hoàng Thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn là Đoan Huy Hoàng Thái hậu (tức Đức Từ Cung), vợ của vua Khải Định (1916-1925), mẹ vua Bảo Đại (1926-1945). Chính bà đã có rất nhiều công lao trong việc gìn giữ các di tích triều Nguyễn trong Hoàng Thành sau khi bị sụp đổ. Làng Mỹ Lợi còn là nơi sinh ra các bộ trưởng có tâm và tầm như ông Phan Thanh Liêm, Bộ trưởng Bộ cơ khí luyện kim; ông Trần Xuân Giá, Bộ trường Bộ Kế hoạch và Đầu tư...., cùng nhiều danh nhân ưu tú có học hàm học vị thành đạt ở mọi miền đất nước.
Độc đáo ngày nay
Tại Vinh Mỹ, chúng tôi đã dành nhiều thăm thú nhiều nơi; trong đó không bỏ qua ngôi đình làng cổ Mỹ Lợi. Được xây dựng từ năm 1808 để thờ tự tri ân các bậc tiền nhân trong làng, qua bao biến chứng lịch sử, chiến tranh, thiên tai ngôi đình này đã xuống cấp, hư hỏng. Năm 2011, ngôi đình được trùng tu bằng nguồn kinh phí 1,3 tỷ đồng của Nhà nước và sự hỗ trợ con dân địa phương và Hội đồng hương. Đình làng được trùng tu theo nguyên bản, nằm ở vị trí trung tâm làng, hướng về phía tây nam. Trước đình là ruộng rộng, sông dài. Trong khuôn viên đình, trước có hồ sen, cổng tam quan, có trụ biểu tạc câu đối tôn vinh và bình phong chắn chướng khí. Nội chính điện là ngôi nhà rường truyền thống ba gian, hai chái, trang trí kiểu “nhất thi nhất hoạ”, “tứ linh”,”long mã”, “lưỡng long chầu nguyệt” đều được chạm trổ long, lân, quy, phụng rất tinh xảo, có giá trị mỹ thuật cao. Năm 1996, đình làng Mỹ Lợi được Bộ Văn hóa Thông tin trước đây công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Cùng với ngôi đình, làng Mỹ Lợi còn nhiều di sản khác, như các từ đường của gần 45 chư phái, họ tộc có công mở mang, vun đắp nên làng cũng được xây dựng khang trang; những ngôi nhà rường cổ kính mà nay “dù có tiền tỷ cũng không thể làm được”. Các từ đường họ tộc được dân làng quý trọng, bảo vệ như đình làng. Nơi đó còn lưu giữ khá tốt hàng trăm sắc phong của triều Nguyễn cùng với một số địa bạ, địa đồ, văn bản của làng.
Theo cụ Nguyễn Hải - Trưởng Ban nghi lễ của làng Mỹ Lợi, hiện làng có 5 thôn với khoảng 1.600 hộ. Mỗi năm làng tổ chức 3 lễ chính. Đầu năm vào ngày Rằm, tháng Giêng làng tổ chức lễ Hữu công, nhằm cầu mưa thuận gió hòa, con dân ăn nên làm ra. Thứ hai là đại lễ cúng cô hồn được tổ chức vào tháng Ba...
Năm 2009, Mỹ Lợi là 1 trong 3 làng của tỉnh đã vinh dự được tham dự hội nghị biểu dương các làng văn hóa tiêu biểu toàn quốc. Năm 2011, làng đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba. Đó là một niềm vinh dự, một sự động viên, khích lệ lớn lao để con dân Mỹ Lợi tiếp tục nỗ lực phấn đấu, dự phần xứng đáng vào sự nghiệp chung xây dựng tỉnh nhà thành thành phố trực thuộc Trung ương./.