Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ
Kể từ sau khi Thành nhà Hồ được UNESCO chính thức công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (ngày 27/6/2011) thì khách tham quan nơi đây ngày càng đông hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2012, đã có hơn 11.000 lượt khách tham quan, gần bằng con số cả năm 2011.
Kết quả này cho thấy cơ hội thu hút khách đến tham quan Thành nhà Hồ, đến với du lịch Thanh Hoá ngày càng nhiều đang rất hiện hữu. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đang đặt ra cho Thành nhà Hồ là làm sao để vừa khai thác, phát triển du lịch nơi đây nhưng vẫn bảo tồn phát huy giá trị độc đáo của di sản.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, để di sản Thành nhà Hồ thật sự trở thành điểm đến du lịch như những điểm đến di sản văn hóa thế giới khác của Việt Nam, các cơ quan chức năng cần tiến hành Quy hoạch phát triển du lịch Thành nhà Hồ nói riêng và xem xét, rà soát, hoàn thiện lại quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa nói chung. Trong quá trình lập và hoàn thiện Quy hoạch, cần tuân thủ các quy định của Công ước bảo vệ Di sản thế giới và xem xét đặc điểm, điều kiện tự nhiên – kinh tế - xã hội tại di sản Thành nhà Hồ. Ngoài ra, cần chú ý đến vấn đề liên kết trong xây dựng sản phẩm du lịch bao gồm liên kết với các di tích, danh thắng phụ cận trong tỉnh như Khu di tích Lam Kinh, Suối cá Cẩm Lương, khu du lịch biển Sầm Sơn, Hoằng Hóa, động Từ Thức và các làng nghề, liên kết với các tỉnh thành, đặc biệt với các tỉnh đồng bằng sông Hồng như Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, liên kết với nước bạn Lào thu hút khách quốc tế qua cửa khẩu quốc tế Na Mèo… Đồng thời, có kế hoạch xây dựng thương hiệu điểm đến Thanh Hóa với điểm nhấn là Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ và dành nguồn lực đáng kể để tổ chức triển khai tuyên truyền quảng bá xây dựng thương hiệu du lịch của địa phương.
Cùng quan điểm với ông Cường, tiến sỹ Hà Văn Siêu, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng: Mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch là hình thành tổ hợp dịch vụ độc đáo, đặc trưng riêng với chất lượng được khách du lịch hài lòng, đáp ứng đúng nhu cầu và mong đợi của du khách. Sản phẩm du lịch với điểm nhấn Thành nhà Hồ có yếu tố chính là tham quan văn hóa lịch sử gắn với di tích, sinh thái cảnh quan và lối sống, sản vật địa phương. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với một sản phẩm du lịch đầy đủ, hoàn chỉnh tại điểm đến Thành nhà Hồ: trước hết, cần xem xét Thành nhà Hồ phải đưa ra được Thông điệp của di sản. Thông điệp đó có thể về quy mô, sự nguy nga, hay kiến trúc độc đáo, sự huyền bí, hay gía trị văn hóa, tâm linh nào đó... Thông điệp của di sản sẽ được gửi gắm tới du khách trước khi đến, cảm nhận trong khi tham quan và đọng lại sau khi rời khỏi. Thứ hai, giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc độc đáo của Thành nhà Hồ phải được thể hiện, diễn giải và truyền tải tới khách du lịch. Nội dung thông tin diễn giải đảm bảo giá trị chân thực, nguyên bản không bị bóp méo. Muốn vậy thì đòi hỏi thuyết minh viên phải hiểu biết sâu về di sản Thành nhà Hồ. Đặc biệt, cần chú ý tới vấn đề vệ sinh, an toàn và không gian văn hóa tôn trọng di sản đạt tới độ văn minh mang sắc thái địa phương được du khách đánh giá cao và lấy đó là một trong những giá trị trải nghiệm khi đến với di sản Thành nhà Hồ.
Được biết, từ đầu năm 2012, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư gần 22 tỷ đồng để nhằm tăng cường quảng bá, kết nối các tour du lịch Thành nhà Hồ với các điểm du lịch trong, ngoài tỉnh và quốc tế, cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch ở di sản này. Hiện, tỉnh Thanh Hóa cũng đang có kế hoạch đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch, phấn đấu đến năm 2015, Thành nhà Hồ sẽ là điểm đến của trên 35 nghìn lượt khách.
Ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử của khu di tích; trong đó đặc biệt chú trọng đến việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo theo đúng pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về di sản thế giới. Thanh Hóa đang đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, tiến hành khai quật khảo cổ học ở khu vực đàn tế Nam Giao, cổng nam Thành nhà Hồ, khu vực công trường khai thác đá An Tôn; quan tâm bảo đảm vệ sinh môi trường, triển khai chống rò rỉ nước, sụt lở và có phương án phòng chống thiên tai tác động tới Thành nhà Hồ
Có thể nói, với việc tôn vinh là di sản thế giới, Thành nhà Hồ đã trở thành cầu nối để thế giới hiểu biết thêm về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, mở ra nhiều triển vọng, cơ hội mới cho phát triển du lịch, nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Hy vọng, với việc đẩy mạnh quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch tại các khu vực di sản một cách chặt chẽ, đúng đắn sẽ giúp cho các di sản văn hóa thế giới nói chung và di sản văn hóa Thành nhà Hồ nói riêng phát triển đúng hướng, hiệu quả./.
Nguồn: ven.vn