Nói lý - hát lý: Một loại hình nghệ thuật độc đáo của người Cơtu, Quảng Nam
Nói lý - hát lý được dùng rộng rãi trong sinh hoạt văn hóa của người Cơtu, được xem là nghệ thuật “so tài” giữa các cụ cao niên, tiền bối làng này với các cụ cao niên tiền bối làng kia, giữa chủ nhà với khách...; thậm chí được dùng trong công việc giải quyết mâu thuẫn nội bộ, xã hội trong cộng đồng tộc người Cơtu, có tác dụng hòa giải mang tính chất “giả định khẳng định” buộc người khác phải thừa nhận và nghe theo. Nói lý - hát lý của người Cơtu thường nhiều lớp nghĩa, ý càng sâu, kín đáo, đối thủ không hiểu (không còn "đấu" lại được) thì càng chứng tỏ tài nổi tiếng của người hát. Cái khó của prá prma-têng bhanoóch là không có bài mẫu chung để học hát, học nói mà nó phụ thuộc vào việc ứng khẩu của người đưa ra, tức theo trình độ, khả năng kinh nghiệm của từng nghệ nhân, người hát.
Đám cưới là dịp người Cơtu thường sử dụng nghệ thuật nói lý - hát lý. Sau khi đón khách xong, chủ nhà (thường nhà trai) chuẩn bị mâm tiệc đón khách (chnao) hoặc đón chào các bậc cao niên (pay buốh tacoóh); đại diện chủ nhà thường là những người có uy tín, kinh nghiệm, có trình độ ứng khẩu tốt khởi xướng đầu tiên (pay hla, tức “tuyên bố lý do”). Thường thì chủ nhà nói rất khiêm tốn trong việc tiếp đãi tiệc tùng... Hát lý bao giờ cũng sau nói lý, hát lý là bước nâng cao giá trị của nói lý. Thường chủ tiệc chọn thời điểm thích hợp để cất lên tiếng hát mở đầu: "Ô... ô... ô... Azô achoọng/coonh vóc, coonh êên..." (phần đệm của điệu nhạc) sau đó mới đi vào nội dung chính, với những từ ẩn ý, sâu lắng trong truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Cái đặc sắc trong câu nói lý - hát lý là giữ được giá trị đạo lý của dân tộc, ví dụ muốn ví bề trên, người có uy tín thì người nghệ nhân đưa ra các vật có giá trị tương xứng như “con gấu đem mật cho người”, “con trâu kéo cày giúp đời”, “con voi xác to, voi quý”...
Câu nói lý - hát lý của người Cơtu rất đa dạng về ngôn từ, người ta sử dụng nhiều hình ảnh lạ, sâu kín tạo một sự ẩn ý khá độc đáo, yêu cầu người nghe phải động não suy nghĩ. Do sự kín đáo như vậy kết hợp với những lý lẽ khó hiểu mà có rất nhiều người khi nghe không nắm bắt hết ý của người nói, người hát muốn đề cập, nên cũng thường gây sự hiểu nhầm. Nhưng trong hát lý người ta lại thường nói ngầm (nếu muốn trách móc người nào đó) một cách sắc bén, kín đáo, nhẹ nhàng. Một cái hay nữa trong nói lý - hát lý của người Cơtu là người Cơtu không bao giờ sử dụng câu nói, câu hát tục tĩu, thiếu văn hóa hay gây mâu thuẫn, mất đoàn kết với nhau; mà ngược lại tăng thêm sự đoàn kết, hiểu nhau hơn.
Với nói lý - hát lý, người Cơtu có quyền khẳng định nghệ thuật truyền thống của mình và tự hào về nét văn hóa nghệ thuật có một không hai này. Ngoài nghệ thuật prá prma-têng bhanoóch, người Cơtu còn có nhiều loại hình nghệ thuật ứng khẩu tương tự rất độc đáo nhưng theo vần điệu như chàchập-babóoch (hát giao duyên), hau clêng (khóc người chết)...