Non nước Việt Nam

Hát Xoan, hát Ghẹo - Dân ca độc đáo của Phú Thọ

Cập nhật: 14/08/2008 16:08:18
Số lần đọc: 2199
Hát Ghẹo, hát Xoan là vốn quý văn nghệ dân gian lâu đời của tỉnh Phú Thọ, nằm trong kho tàng văn học dân gian giàu có của Việt Nam. Hát Xoan, hát Ghẹo là thế nào? Hẳn vẫn còn có người chưa tường.

Hát Xoan là một loại dân ca độc đáo, tồn tại lâu đời ở hai xã Kim Đức và Phượng Lâu, thuộc huyện Phù Ninh cũ. Nay là huyện Phong Châu và thành phố Việt Trì.

 

Trước Cách mạng tháng Tám 1945, hát Xoan thường được trình diễn vào mùa xuân trong những ngày hội đám ở một số đình làng trong tỉnh, nên còn được gọi là Hát cửa đình. Chữ Xoan là từ chữ Xuân đọc trẹo ra.

 

Những người đi hát Xoan thường sống cùng chòm xóm và tổ chức thành phường. Người đứng đầu một phường Xoan gọi là ông Trùm. Các thành viên thì gọi trai là Kép, gái là Đào. Mỗi phường Xoan có khoảng 10 đến 15 người. Y phục dân tộc hệt quan họ Bắc Ninh. Nam thì áo the, khăn xếp, quần trắng; nữ mặc áo năm thân, khăn mỏ quạ, áo cánh trắng, yếm điều, thắt lưng bao, dải yếm các mầu, quần lụa, đeo xà tích.

 

Các tiết mục múa hát thường theo thứ tự nhất định. Mở đầu là 4 tiết mục có tính nghi thức, mang nội dung khấn nguyện, chúc tụng, xen mô tả sản xuất. Đây là những bài ca cổ, chủ yếu hát nói hoặc ngâm ngợi; theo thứ tự: Giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám. Tiếp theo là phần hát cách (còn gọi là quả cách).


Trong phần này, ông Trùm hoặc một kép chính giở sách ngân nga 14 bài thơ nôm dài với giọng phụ họa của các cô đào đứng ở phía sau. Mười bốn quả cách trong hát Xoan là những áng thơ khuyết danh với các đề tài khác nhau; như mô tả lao động, sinh hoạt ở nông thôn, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, kể các tích chuyện xưa. Sau phần hát cách đến các tiết mục có tính chất dân gian với nội dung đậm nét trữ tình, giao duyên. Mỗi tiết mục nối tiếp nhau ở đây thường gắn với những động tác và đội hình múa, hoặc lối diễn mang tính chất hoạt cảnh. Ví dụ: hát gái, bỏ bộ, xin huê, đố huê, đố chữ, gài huê, hát đúm, đánh cá,v.v...


Xin mời các bạn thưởng thức vài lời trong điệu đố huê: Bên nam hát:


Anh đố em biết huê gì nở trên rừng bạc bội?

Anh đố em biết huê gì nở nội đồng không?

Anh đố em biết huê gì nở bẩy tám lần chông?

Anh đố em biết huê gì nở mùa đông hoa vàng trắng vàng?


Bên nữ đáp:


Anh đã đố thời em sẽ giảng

(Qua hòa) anh chẳng biết thời em giảng anh nghe:

Huê sim, huê mua nở trên rừng bạc bội

Nhược bằng huê lúa nở nội đồng không

Nhược bằng huê dứa nở bẩy tám lần chông

Nhược bằng huê cải nở mùa đông vàng trắng vàng.


Hát Ghẹo thì hơi khác. Hát Ghẹo là một loại dân ca phổ biến trong đại đa số quần chúng, không chỉ dành riêng cho một số ít người chuyên hoặc bán chuyên. Hát Ghẹo không tổ chức thành phường, bọn hay họ mà là của mọi người. ở miền bắc, ai đã qua tuổi thanh xuân, thì nhiều ít đều có biết hát Ghẹo, và cũng đôi lần hát trong những dịp hội hè, tế lễ ở địa phương. Người hát Ghẹo không phải để sinh sống, dù trong một thời gian ngắn nào đó, hoặc để lấy thưởng, mà chính là để mua vui tinh thần cho tuổi trẻ của họ. Dân ca hát Ghẹo thực sự là một hình thức văn hóa phổ thông trong nhân dân.


Tuy nhiên, dù có rộng rãi trữ tình hơn, phóng túng hơn, nhưng hát Ghẹo vẫn mang phong cách của các dòng dân ca chung, nên các câu hát, giọng hát của hát Ghẹo cũng vẫn có quy định của một trật tự nhất định. Nhất là thứ tự của các câu trong giọng sổng. Người ta chia ra làm 4 loại giọng như sau:


1) Ví đãi trầu: Trầu thường bọc vào khăn tay, hoặc bày ở trên khay, trên đĩa. Các chị đưa trầu ra mời các anh bằng những câu ví:


Miếng trầu để đĩa bưng ra

Xin anh nhận lấy để mà thở than


Lời mời thật lễ phép và ân cần, nhưng các anh chưa vội nhận, để cho các chị còn phải mời đi mời lại nhiều lần. Và có khi phải trách móc bóng gió:


Miếng trầu để đĩa bưng ra

Có cau, có vỏ lòng đà có vôi

Hay là trầu héo, cau ôi

Mà anh nỡ để trầu mời không ăn?


Thế rồi, chần chừ nhưng khéo léo, các anh mới ngại ngùng đáp lại:

Miếng trầu ăn nặng bằng chì

Ăn thì ăn vậy biết lấy gì trả ơn!


Trao đổi bằng ví đãi trầu như vậy có khi hàng giờ, rồi các anh mới chịu nhận trầu, ăn trầu và cùng hát sang giọng sổng.


2) Giọng sổng: là nét nhạc mà người ta dùng để hát câu ca khác nhau, nội dung lời ca là để tỏ bày:

Bối rối là con chỉ thâm

Những điều anh nói nhập tâm em rồi.


3) Sang giọng: theo các cụ thì ngày xưa có 36 giọng. Hát hết 36 giọng này là trời rạng sáng, ấy là khi sắp tàn một đêm ca.


4) Ví tiễn chân: Các câu ví lúc này thốt lên từ đáy lòng của mỗi con người vừa sống qua cuộc chuyện trò chứa chan tình cảm, cho nên lời ca ứng tác đầy cảm xúc, tha thiết như những câu ca Giã bạn trong Quan họ:


Anh về có chốn thở than

Em về ngồi tựa phòng loan một mình.

Anh về tựa bóng sao Mai

Em về em biết lấy ai bạn cùng!


Hoặc:

Trăm năm gắn bó như niêm

Chữ tình tạc dạ, chữ duyên ghi lòng.


Các anh chị tiễn chân nhau có khi cùng đi một đoạn đường rất xa, hàng mấy dặm, vừa đi vừa ví, lưu luyến tưởng khó chia đôi ngả.


Hát Xoan cũng như hát Ghẹo ngày nay tuy không phát triển, nhưng mỗi lần qua vùng quê Phú Thọ, ta vẫn còn bắt gặp; cũng như ta thường được nghe trong những chương trình dân ca nhạc cổ trên sóng đài Tiếng nói Việt Nam. Những làn điệu ấy, chất liệu ấy đến giờ vẫn còn làm giầu làm đẹp mãi tâm hồn đằm thắm của dân tộc Việt Nam.
 

Nguồn: quehuong.org.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT