Hoạt động của ngành

Tăng cường quản lý khai thác, tôn tạo, bảo tồn khu di tích lịch sử danh thắng Yên Tử, Quảng Ninh

Cập nhật: 26/06/2012 14:39:18
Số lần đọc: 1751
Đó là chủ đề cuộc hội thảo do UBND thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) tổ chức với sự tham dự của đông đảo các cán bộ sở, ban, ngành liên quan của tỉnh và thành phố.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo đánh giá toàn diện về thực trạng quản lý, đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị tại khu di tích Yên Tử từ trước đến nay. Báo cáo nêu rõ, từ năm 1992 Yên Tử mới bắt đầu được đưa vào quản lý cắm mốc, dựng bia để giới thiệu và khoanh vùng bảo vệ, đồng thời sửa chữa cấp bách các di tích có nguy cơ bị hư hại, đến nay, Yên Tử đã được đầu tư rất lớn từ nhiều nguồn từ hệ thống chùa, am, tháp đến cơ sở hạ tầng, tạo diện mạo mới cho khu di tích này. Theo thống kê, từ năm 1997 đến nay, ngân sách nhà nước đã đầu tư vào Yên Tử 41 công trình với số vốn đạt gần 143 tỷ đồng; đầu tư từ các nguồn xã hội hoá là 26 công trình với số vốn gần 564 tỷ đồng... Với yêu cầu mở rộng, phát triển di tích cũng như quy hoạch hệ thống dịch vụ thời gian tới nhằm giữ gìn bền vững di sản và đáp ứng tốt hơn nhu cầu du khách, báo cáo của địa phương đã đề xuất 9 điểm căn bản. Đó là: Tăng cường công tác quản lý nhà nước; tăng cường đầu tư, bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích từ các nguồn khác nhau và thúc đẩy việc phê duyệt đề án mở rộng và phát triển khu di tích Yên Tử; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tại khu di tích đã được phê duyệt; xây dựng đề án chi tiết về phát triển du lịch, dịch vụ Yên Tử đến 2015, định hướng đến 2020; có cơ chế chính sách đãi ngộ hợp lý với các cán bộ làm việc tại đây cũng như tạo điều kiện phá triển dịch vụ cho người dân trên địa bàn; có cơ chế thu hút nhiều nhà đầu tư vào khai thác dịch vụ, du lịch tại Yên Tử; cho triển khai thu phí tham quan trở lại khu di tích Yên Tử - rừng quốc gia Yên Tử để tạo nguồn kinh phí chủ động chi cho hoạt động quản lý, bảo tồn khu di tích...

Cũng tại hội thảo, nhiều đại biểu đã đề nghị cần áp dụng nhiều biện pháp để bảo tồn, trùng tu, tạo điều kiện lưu giữ lâu dài, chuyển giao yếu tố nguyên gốc và tính chân thực lịch sử của di tích cho thế hệ tiếp theo; cần tăng cường công tác nghiên cứu, sưu tầm các giá trị của di tích, nhằm phát hiện cũng như bảo vệ và phát triển di tích một cách tốt hơn. Đồng thời thực hiện xã hội hóa các dự án bảo tồn các di tích đang bị xuống cấp nghiêm trọng; bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa phi vật thể bằng cách lập hồ sơ khoa học các di tích, nhà trưng bày về Thiền phái Trúc Lâm và Phật giáo Việt Nam; bảo tồn và tôn vinh các giá trị văn hóa lễ hội Yên Tử…

Nhiều ý kiến cho rằng nguyên tắc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa là chỉ can thiệp tối thiểu tới di tích, nhưng cần thiết lập một cơ chế duy tu, bảo dưỡng thường xuyên và định kỳ, nhất là những di sản vật thể đang bị xuống cấp và hư hỏng trong khu di tích để đảm bảo cho di tích được ổn định lâu dài. Khi tôn tạo các di tích phải đảm bảo tính nguyên vẹn, sự hài hòa của di tích với các cảnh quan xung quanh, nhằm tạo điều kiện nổi bật các giá trị của di tích và cảnh quan di tích với mục đích đáp ứng cho việc khai thác di tích được thuận lợi. Khi tiến hành phục hồi di tích phải dựa trên những cứ liệu như thám sát cổ học, bản vẽ thiết kế ban đầu của di tích, bản vẽ phối cảnh…

Di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử thuộc địa bàn xã Thượng Yên Công, phía Tây thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, có đỉnh cao 1068m. Đây là một trong những di tích còn lưu những giá trị văn hóa khổng lồ và vô giá với hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am tháp, hàng ngàn di vật cổ quý chứa đựng những giá trị tinh thần, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm. Trải qua các cuộc chiến tranh và sự tác động khắc nhiệt của thiên nhiên, hầu hết các di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều công trình bị phá hủy nên cần được ưu tiên bảo vệ, tôn tạo trùng tu./.

Nguồn: Cinet

Cùng chuyên mục