Hoạt động của ngành

Thái Nguyên: Đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển du lịch

Cập nhật: 23/07/2012 09:21:22
Số lần đọc: 1940
Ngày 19/7, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng và tìm giải pháp thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009 - 2015 với chủ đề "Các giải pháp đột phá phát triển du lịch Thái Nguyên trong mối liên kết phát triển du lịch của vùng Việt Bắc và phụ cận".

Thái Nguyên là địa phương giàu tiềm năng về du lịch lịch sử. Toàn tỉnh hiện có 780 di tích lịch sử văn hoá; trong đó có 39 điểm di tích được xếp hạng "Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia", nền văn hoá cổ nhất Đông Nam Á ở Thần Sa, huyện Võ Nhai, di tích ATK Định Hoá mới được công nhận là "Di tích quốc gia đặc biệt"...

Có tiềm năng, tài nguyên du lịch phong phú, song năng lực khai thác của Thái Nguyên còn yếu; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ kinh doanh du lịch còn hạn chế, các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, không mang tính đặc trưng, không tạo được nét riêng của mỗi địa phương; công tác xúc tiến du lịch chưa thực sự rõ nét, mối liên kết giữa các tỉnh trong vùng Việt Bắc còn thiếu chặt chẽ.

Tại Hội nghị, hơn 20 bản tham luận của các đại biểu đã tập trung đưa ra nhiều giải pháp để phát triển du lịch Thái Nguyên như: Giải pháp liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang... với Thái Nguyên; tuyên truyền, quảng bá về phát triển du lịch Thái Nguyên; khai thác giá trị truyền thống các làng nghề trên địa bàn tỉnh trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm thu hút khách du lịch; hợp tác xúc tiến phát triển du lịch trong mối liên kết vùng; bảo tồn và khai thác những giá trị di sản văn hoá phi vật thể để phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên theo hướng bền vững.

Đa số các ý kiến cho rằng, xây dựng thương hiệu du lịch Thái Nguyên hay thương hiệu du lịch cho cả vùng không phải là việc làm "kiểu phong trào" hoặc kỳ vọng đạt được kết quả nhất thời, mà đòi hỏi phải có lộ trình khoa học và tổ chức thực hiện công phu, bài bản. Để làm được điều này, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch rất cần Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ với vai trò là "nhạc trưởng" và "nhạc công" là Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch ở các địa phương. Thực tế hiện nay, công tác hoạt động xúc tiến du lịch ở các địa phương chủ yếu là tự nghiên cứu, tự làm và học tập rút kinh nghiệm. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng chưa có Cục Xúc tiến Du lịch nên việc triển khai nghiệp vụ về công tác quảng bá xúc tiến du lịch ở các địa phương gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, để ngành du lịch có điều kiện bứt phá, tỉnh Thái Nguyên cần xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư du lịch như: ban hành quy định ưu đãi đầu tư phát triển du lịch tại tỉnh; dành quỹ đất thích hợp để xây dựng các dự án về du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh và quốc tế đến với Thái Nguyên.

Các đại biểu cũng cho rằng, với tiềm năng lợi thế của địa phương, từ nay đến năm 2020, Thái Nguyên tiếp tục xác định không gian phát triển du lịch với 4 khu trọng điểm gồm: Khu du lịch trung tâm thành phố Thái Nguyên; khu du lịch sinh thái vùng Hồ Núi Cốc; khu du lịch lịch sử ATK Định Hoá và khu du lịch khảo cổ học - sinh thái hang động Đồng Hỷ - Võ Nhai. Để làm được điều này, trước mắt, tỉnh cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa khâu tuyên truyền, quảng bá về du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của du khách; quan tâm phát triển du lịch gắn với lễ hội và các hoạt động văn hóa, du lịch cộng đồng; khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch đặc trưng của mỗi địa phương trong chương trình liên kết phát triển du lịch vùng và khu vực; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch tại địa phương nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục