Những đường bay mới – Cơ hội và thách thức cho ngành du lịch Đà Nẵng
Tính đến nay, thành phố Đà Nẵng có 08 đường bay quốc tế hoạt động, trong đó có 03 đường bay trực tiếp thường kỳ gồm đường bay Singapore - Đà Nẵng - Siemriep, đường bay Kualalumpur - Đà Nẵng, Incheon – Đà Nẵng và 05 đường bay trực tiếp thuê chuyến gồm Nga (Hãng North Wind với 8,9 chuyến/tháng), Macao (2 chuyến/tuần của Hãng Vietnam Airlines), Quảng Châu (Hãng Vietnam Airlines), Thượng Hải (Shanghai Airlines) và Nam Kinh (China Eastern Airlines) với 2 chuyến/tuần. Với số lượng đường bay như trên cho chúng ta tín hiệu mừng rằng lượng khách du lịch quốc tế từ các thị trường này đã và đang khuấy động rõ tại Đà Nẵng.
Theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, tính cho đến 6 tháng đầu năm 2012 khách du lịch đường hàng không ước đạt 47.392 lượt khách, tăng 146,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng du khách qua đường hàng không ngày càng tăng lên một cách đáng kể đã góp phần không nhỏ đưa lượng du khách đến với thành phố Đà Nẵng xinh đẹp để quảng bá rộng rãi hình ảnh của thành phố đến các thị trường mới đồng thời mở ra cơ hội tốt để xúc tiến, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thị trường hành khách, hàng hóa và tạo khởi đầu thuận lợi cho giao lưu kinh tế, đầu tư và du lịch giữa các nước với Đà Nẵng nói riêng và miền Trung Việt Nam nói chung. Tuy nhiên để có thể duy trì được hiệu quả từ các đường bay hiện có mang lại, đồng thời khai thác các thị trường khách bền vững và tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, ngành du lịch Đà Nẵng còn phải đối mặt với một số thách thức cần giải quyết nhanh.
Trước hết đó là vấn đề về hệ thống cơ sở hạ tầng, hiện nay hệ thống cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng đang được đánh giá cao với 305 khách sạn trong đó có 7 khách sạn 5 sao; 39 khách sạn 3- 4 sao và tương đương, trong khi số lượng khách du lịch MICE đến Đà Nẵng ngày một đông thì các khách sạn cao cấp phục vụ cho loại hình này lại nằm chủ yếu ven biển cách xa trung tâm của thành phố, du khách phải tốn khoảng chi phí vận chuyển để vào trung tâm. Ngoài ra Đà Nẵng vẫn chưa có trung tâm mua sắm, các điểm vui chơi, giải trí về đêm để cho khách chi tiêu, trong khi nhu cầu của khách là rất lớn. Hiện có nhiều cửa hàng lớn tập trung trên đường Hùng Vương nhưng khu vực này chưa đạt được tiêu chuẩn quốc tế về khu mua sắm sang trọng, chưa có nhiều mặt hàng đặc trưng, nên không “moi” được tiền của khách.Các nhà hàng, quán ăn lớn để cho các khách Vip, thương gia đến thưởng thức hầu như rất ít…
Nguồn nhân lực cũng đang là vấn đề “đau đầu” của ngành du lịch. Có thể nói nhân lực không chỉ là một bài toán khó giải của du lịch Đà Nẵng mà còn là vấn đề của cả nước. Hiện nay với con số ít ỏi 3 hướng dẫn viên tiếng Hàn tại khu vực miền Trung và 13 hướng dẫn viên Hàn Quốc đã được cấp thẻ trên toàn quốc đã gây nên áp lực lớn cho ngành du lịch. Không chỉ với thị trường Hàn Quốc, thị trường khách Nga cũng gặp phải điều tương tự.
Một thách thức lớn nữa mà du lịch Đà Nẵng gặp phải đó là vấn đề về môi trường du lịch. Mặc dù chính quyền TP. Đà Nẵng đã tập trung trí tuệ, sức lực nhằm xây dựng Thành phố "xanh - sạch - đẹp" để trở thành "Thành phố môi trường" nhưng cũng như xu thế chung của toàn cầu, môi trường ở đây vẫn đang bị đe dọa. Dù cho khách du lịch đã không khỏi ngạc nhiên khi thấy tình trạng người lang thang xin ăn, quấy rầy khách du lịch tại đây hầu như không có, trong khi hiện tượng này rất phổ biến ở các địa phương và các điểm du lịch khác… nhưng hiện tượng chèo kéo, tranh giành khách, bán hàng rong, xin đánh giày, vé số… tại những trung tâm mua sắm và thậm chí ngay trong các quán ăn vẫn tồn tại. Điều này đã làm ảnh hưởng không ít đến sự phát triển bền vững về du lịch, đã làm cho không ít khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, không hài lòng.
Cuối cùng là chất lượng dịch vụ phục vụ cho ngành du lịch. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của du lịch một số địa phương với những sản phẩm du lịch tương đồng cũng đang là áp lực lớn cho du lịch Đà Nẵng về cạnh tranh điểm đến. Do đó, nếu không có những dịch vụ khác biệt, có sức thu hút lớn thì rất có thể, Đà Nẵng sẽ không trở thành một vệ tinh của miền Trung. Khi ấy, có thể lượng khách đến Đà Nẵng có tăng nhưng doanh thu du lịch sẽ không có gì nhiều, ngoài dịch vụ bán vé tham quan cho du khách đến và về trong ngày.
Có thể nhận thấy rõ ràng, du lịch Đà Nẵng với những đường bay mới đã và đang tạo ra nhiều cơ hội cho ngành du lịch. Tuy nhiên để những đường bay này mang lại hiệu quả thiết thực, ngành du lịch Đà nẵng cần phải chung tay cùng nhau hành động khắc phục những thách thức để một tương lai không xa Đà Nẵng trở thành thành phố hang đầu về du lịch của miền Trung, xứng tầm là điểm đến hấp dẫn du lịch của du khách trong và nước./.