Du lịch cộng đồng thu hút nhiều khách du lịch tới Huế
Đến đầu tháng 7/2012, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đón đạt 1.300.000 lượt khách du lịch, trong đó khách lưu trú đạt gần 900.000 lượt, tăng 10,7% so cùng kỳ.
Doanh thu du lịch ước đạt 1.065 tỷ đồng, trong đó doanh thu các cơ sở lưu trú đạt 628,9 tỷ đồng, tăng 26,19%.
Lượng khách du lịch bằng tàu biển từ Trung Quốc, Tây Ban Nha, Anh, Mỹ, Canada... đến Huế cũng tăng mạnh, với gần 30.000 lượt khách quốc tế trong sáu tháng đầu năm, tăng gấp 3,6 lần so cùng kỳ 2011.
Riêng Festival Huế 2012 đã thu hút hơn 180.000 khách, trong đó có hơn 80.000 khách quốc tế, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2011 và tăng 54,2% so với Festival 2010.
Nhiều khách sạn có công suất phòng đạt 80-100%. Các cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng được đầu tư mở rộng nâng cấp, tăng cường tiếp thị, củng cố phương thức kinh doanh và tạo ra các sản phẩm mới.
Trong Năm Du lịch Quốc gia 2012, ngoài du lịch lễ hội, Thừa Thiên-Huế còn xây dựng nhiều đề án, sản phẩm du lịch đặc thù theo hướng phát triển bền vững.
Dự án "Phát triển du lịch cộng đồng" được Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thừa Thiên-Huế thực hiện. Địa điểm đầu tiên được chọn là Cầu ngói Thanh Toàn (xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ với tuor du lịch "Chợ quê ngày hội." Đây là địa bàn từ lâu đã trở thành điểm đến của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước thông qua các doanh nghiệp lữ hành du lịch, nhất là trong mỗi kỳ Festival Huế. Điểm du lịch làng quê này được đầu tư cơ sở hạ tầng, người dân địa phương được tập huấn cách làm du lịch và có thu nhập thêm từ các dịch vụ.
Mặt khác, loại hình "kinh doanh du lịch cùng người nghèo" cũng đang phát triển tại Thừa Thiên-Huế. Tuy mới nhưng đây là loại hình du lịch hết sức hấp dẫn với nhiều du khách. Loại hình du lịch này chủ yếu được thành lập ở vùng nông thôn, miền núi, nơi thu nhập người dân còn thấp và điều kiện sinh hoạt còn hạn chế.
Tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, Công ty cổ phần du lịch Hương Giang phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) thực hiện mô hình "kinh doanh du lịch cùng người nghèo" nhằm gắn kết những người dân có thu nhập thấp trong vùng vào chuỗi giá trị du lịch của trung tâm với tư cách là người làm công và người cung cấp các sản phẩm thủ công, theo hướng cùng có lợi, vừa tăng doanh thu cho doanh nghiệp vừa tăng thu nhập cho cộng đồng. Các hoạt động du lịch đã góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân và quan trọng hơn là đã làm thay đổi nhận thức người dân trong việc phát huy giá trị về văn hóa, môi trường cộng đồng địa phương và mang đến du khách sản phẩm du lịch riêng...
Đặc trưng ở Huế còn có loại hình du lịch homestay gắn với làng cổ Phước Tích (xã Phong Hoà, huyện Phong Điền) trong tour "Hương xưa làng cổ" cũng được chú trọng đầu tư, phát triển. Cùng với hệ thống các di tích đình, chùa, miếu, di tích Chăm pa, nghề gốm truyền thống, làng còn có gần 40 ngôi nhà rường còn khá nguyên vẹn (trên 100 năm tuổi), hấp dẫn du khách.
Hiện nay, nhà nào cũng có mảnh vườn xum xuê cây trái, có vườn hoa, cây cảnh được cắt tỉa công phu, tôn thêm vẻ đẹp cho ngôi nhà của mình. Loại hình du lịch này có thế mạnh là du khách đến cùng sống với người dân ở địa phương (homestay). Ở đây, các du khách đã cùng người dân làm bánh ướt, bánh ngọt và món mứt Tết nổi tiếng ở Phong Hoà, vốn được du khách người nước ngoài đến từ Pháp, Nhật Bản thích thú.
Ngoài ra, Thừa Thiên-Huế đã xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch gắn với đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, đến nay đã đưa được tám tour đưa vào khai thác. Xích lô cũng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của miền đất cố đô với khoảng 200 xích lô trên địa bàn thành phố Huế được đầu tư cải tiến mẫu mã, trang bị kiến thức cho đội ngũ phục vụ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, mở rộng tour, tuyến, kịp đi vào hoạt động trong mùa du lịch quốc tế 2012, bắt đầu từ tháng 10 tới./.