Bắc Ninh bảo tồn di tích lịch sử cách mạng
Tuy nhiên, đó là những chứng tích tiêu biểu không chỉ về lịch sử cách mạng mà còn về kiến trúc lịch sử và danh nhân lưu niệm… có giá trị to lớn trong việc giáo dục truyền thống, là điểm du lịch hấp dẫn mọi du khách.
Theo thống kê của BQL di tích tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến. Trong đó có 6 di tích ở Từ Sơn, bao gồm: Khu di tích lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (xã Phù Khê); khu di tích lưu niệm gia đình đồng chí Ngô Gia Tự (xã Tam Sơn); nhà gác cụ Đám Thi (phường Đình Bảng); cụm di tích đình, chùa Đồng Kỵ (phường Đồng Kỵ), chùa Đồng Hương (xã Hương Mạc); di tích lưu liệm nhà cụ Tú Ba (quê ngoại đồng chí Nguyễn Văn Cừ) ở thôn Cẩm Giang (Đồng Nguyên, Từ Sơn).
Còn lại các di tích khác thuộc huyện Tiên Du: di tích lịch sử và kháng chiến đình Long Khám (xã Việt Đoàn), đình làng Đại Thượng (xã Đại Đồng), núi Lim- chùa Hồng Ân (thị trấn Lim),đình Liễu Khê (xã Ngũ Thái, Thuận Thành).
Trong số các di tích cách mạng nêu trên, đã có 9/10 di tích được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia. Việc quản lý, bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị của các di tích được coi trọng, mang lại hiệu quả thiết thực. Một số di tích đặc biệt quan trọng như khu di tích lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự đã được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng cho việc trùng tu, tôn tạo và mở rộng. Những di tích cách mạng tiêu biểu khác cũng được quan tâm hỗ trợ chống xuống cấp như Nhà cụ Đám Thi, chùa Đồng Kỵ, chùa Đồng Hương, đình Long Khám…
Các địa phương có di tích, tùy điều kiện từng nơi, chính quyền địa phương giao cho những người trong họ quản lý, trực tiếp trông coi, bảo vệ. Các di tích thuộc các công trình tín ngưỡng như chùa Đồng Kỵ, chùa Đồng Hương, chùa Hồng Ân thì giao cho nhà sư trụ trì tại di tích trực tiếp quản lý. Các di tích như chùa Hồng Ân, đình Long Khám, đình Đại Thượng, đình Liễu Khê… được các thôn cắt cử người trông coi, bảo vệ.
Tuy nhiên, trong tổng số 10 di tích cách mạng đã được xếp hạng, chỉ có thị xã Từ Sơn đã có 5/6 di tích được UBND huyện hỗ trợ kinh phí cho người trông coi trực tiếp di tích.
Thực hiện công tác quản lý bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh, những năm qua, BQL Di tích tỉnh trực tiếp chỉ đạo và phân công cụ thể từng cán bộ phụ trách địa bàn huyện, thị xã kịp thời nắm bắt tình hình và hướng dẫn địa phương thực hiện tốt công tác quản lý các di tích cách mạng. BQL di tích cũng tham mưu đề xuất với UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho người trực tiếp trông coi các di tích. Theo đó, mỗi người trông coi di tích cách mạng được hưởng chế độ bằng 85% mức lương tối thiểu/tháng.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (09/7/1912 – 09/7/2012), BQL di tích tỉnh chỉnh lý, sưu tầm, bổ sung hơn một trăm tài liệu, hiện vật tại nhà trưng bày và khu di tích lưu niệm; trong đợt cao điểm (từ mùng 7 đến 10/7), mở cửa phục vụ du khách tham quan tới 10 giờ đêm, huy động 14 cán bộ BQL di tích có mặt thường xuyên, trong đó có 5 cán bộ thuyết minh tại khu nhà lá và khu trưng bày, giới thiệu cho hàng vạn lượt khách tham quan, học tập và nghiên cứu tại khu di tích.
Hàng năm, BQL di tích xây dựng kế hoạch, đánh giá thực trạng các di tích, đặc biệt là khu di tích lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự và các di tích tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Việc khoanh vùng bảo vệ khu di tích được chú trọng, không còn hiện tượng xâm lấn đất đai trong khu vực di tích.
Hiện tại, khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự đã và đang được Nhà nước đầu tư kinh phí lớn để tu bổ theo chương trình mục tiêu quốc gia. Chùa Đồng Hương được chính quyền và nhân dân địa phương tu bổ xây dựng nhà truyền thống, bổ sung nhiều tài liệu, hiện vật.
Tuy nhiên, một số di tích đang trong tình trạng xuống cấp như chùa Đồng Kỵ, đình Đại Thượng, đình Long Khám, đình Liễu Khê…cần được ưu tiên, hỗ trợ kịp thời để nâng cấp, bảo vệ lâu dài.
Di tích lịch sử cách mạng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước cho nhân dân và các thế hệ mai sau. Tuy nhiên, một điều đáng buồn là số lượng khách tham quan các di tích còn ít, chỉ tập trung chủ yếu vào một số di tích tiêu biểu. Thời gian tới, các cấp các ngành cần quan tâm hơn nữa trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích ngày càng khang trang, kết hợp xây dựng các khu du lịch văn hóa nhằm khai thác và phát huy tối đa giá trị của các di tích lịch sử cách mạng./.