Long Sơn (Vũng Tàu) ngày càng hấp dẫn du khách
Ngoài ra, điều ấn tượng khác với du khách khi đến Long Sơn còn là hình ảnh những vị ông già, bà lão bận quần áo bà ba đen, tóc búi gọn sau gáy như kiểu củ hành. Nhưng những ai đã từng một lần ghé thăm Long Sơn đều thừa nhận rằng, nét cuốn hút của xã đảo này nằm ở di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Lớn và những phong tục tập quán cổ xưa. Hàng năm vào ngày giỗ ông Trần (20-2 âm lịch, người có công khai phá vùng đất Long Sơn và dựng nên Nhà Lớn) và ngày Tết Trùng Cửu (9/9 âm lịch) và các ngày lễ khác, Nhà Lớn đều tổ chức lễ hội rất trang nghiêm, thu hút hàng chục ngàn lượt khách phương xa về dự. Những phong tục tập quán có từ thời ông Trần đến nay vẫn được bá tánh, những người theo đạo ông Trần gìn giữ và phát huy.
Đến Nhà Lớn, du khách thường được bà Lê Thị Kiềm, cháu của ông Trần, thành viên ban điều hành Nhà Lớn hay những người làm việc trong Nhà Lớn kể về những tập tục tốt đẹp được lưu truyền từ hàng trăm năm nay ở xã đảo. Dù không phân công nhưng hàng ngày, nhất là những ngày lễ lớn, những người dân theo tín ngưỡng ông Trần luôn tự giác đến Nhà Lớn quét dọn, đèn nhang. Sinh thời, “ông” Trần hay giúp đỡ người nghèo khó phiêu dạt từ nơi khác đến, không nhà cửa, ruộng vườn được “ông” cấp nhà để ở, ruộng đất để cày, khi nào ổn định được cuộc sống thì ra riêng, nhường nhà, nhường ruộng cho người khác. Đến nay, hàng trăm năm đã trôi qua nhưng ban điều hành Nhà Lớn vẫn giữ truyền thống này để giúp đỡ những người nghèo, những người di cư đến Long Sơn tìm kế mưu sinh.
Sau khi tham quan di tích Nhà Lớn, du khách cũng có thể chọn những thú vui khác như tham quan các bè cá, rừng ngập mặn trên sông Chà Và, sông Rạng và thưởng thức hải sản tại các nhà hàng nổi trên sông như: bè hàu Đực Nhỏ, nhà hàng Sông Chà, làng bè Long Sơn... Ở đó, du khách được hòa mình cùng sông nước, tận tay bắt hải sản và xem chế biến món ăn theo sở thích với các món: cá mú, cá bớp, cá chẽm, hàu, cá nâu nướng muối ớt, ghẹ nướng, cua rang me... mang đậm chất Nam Bộ thời khẩn hoang.
Ông Phạm Chí Thân, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho rằng, nếu các công ty lữ hành phối hợp với Nhà Lớn tái hiện lại nếp sinh hoạt xưa một cách bài bản và kết hợp với các làng bè trên sông để đưa khách đến tham quan thì Long Sơn sẽ là điểm đến hấp dẫn, thu hút không chỉ du khách ngoài tỉnh mà còn là nơi vui chơi, giải trí cuối tuần hấp dẫn với chính người dân Bà Rịa-Vũng Tàu. Cụ thể, tại Nhà Lớn có thể tổ chức một cách đầy đủ các hoạt động trong các khu: đền thờ, nhà Long Sơn hội, trường học, nhà chợ, nhà mát, nhà bảo tồn ghe sấm và các dãy phố quanh chợ. Hoặc sân khấu hoá hoạt cảnh ông Lê Văn Mưu (ông Trần) cùng gia tộc từ miền Tây đến định cư ở phía đông Long Sơn, tổ chức khai hoang và lập làng như thế nào… Các hoạt động này về lâu dài có thể duy trì và tổ chức định kỳ vào ngày rằm hàng tháng, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham gia. Làm được như vậy vừa bảo tồn và tôn vinh di sản văn hoá Nhà Lớn – Long Sơn, vừa làm phong phú thêm sản phẩm du lịch mang dấu ấn địa phương./.