Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế: Xúc tiến du lịch từ vùng đông bắc Thái

Cập nhật: 09/07/2012 10:53:51
Số lần đọc: 2320
Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế đã kết nối gần 150 doanh nghiệp du lịch miền Trung thực hiện chuyến giao lưu, khảo sát du lịch các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Đây là cơ hội để hai bên cùng trao đổi hợp tác nhằm đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp "không khói" này.

Những điểm đến hấp dẫn

 

Đông Bắc Thái Lan (ĐBTL) nằm bên dòng sông Mêkông nối với đất nước bạn Lào. Nơi đây chiếm một địa thế quan trọng trong các hoạt động giao thương kinh tế, văn hoá, du lịch với các vùng trong khu vực Đông Nam Á. Có thể nói, những vỉa tầng văn hoá ở ĐBTL rất đa dạng, đa chiều, với nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc như: lễ hội tâm linh truyền thống Jum-la-ca-thin, lễ hội đua thuyền truyền thống hữu nghị Thái - Lào, lễ hội đến ngược 3 quốc gia Thái - Lào - Việt, những nét văn hóa ẩm thực độc đáo... Điều đặc biệt, các tỉnh ĐBTL sở hữu nhiều di sản văn hoá vật thể được UNESCO công nhận về các công trình khảo cổ học, địa chất... Nơi đây còn có vị trí đắc địa trong các hoạt động giao thông nối Việt Nam với các nước bên ngoài. Nhờ thế, việc liên kết phát triển du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây nối vùng ĐBTL và Lào cùng các tỉnh miền Trung Việt Nam đã trở thành hiện thực.  

 

Trong chuyến đi này, đại diện các doanh nghiệp du lịch miền Trung Việt Nam có dịp giao lưu, trao đổi thông tin những chương trình, tour, tuyến, khảo sát điểm du lịch tiêu biểu như: thác ThatPhanom; cung điện thờ KeaoKu, chùa PhoChay, tháp Xá Lợi đức Phật, nhà lưu niệm Bác Hồ... Đó là những điểm đến được chú trọng khai thác nhằm phát triển du lịch trong thời gian tới, phục vụ du khách Việt Nam muốn đến thăm các vùng ĐBTL trong cùng một tour trên trục đường bộ.

 

Bà Pattamat Wongpattanasiri, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch vùng ĐBTL thừa nhận, thời gian gần đây, chuyện một ngày ăn cơm ba nước Thái - Lào - Việt không còn là chuyện lạ đối với các đoàn du khách caravan và các thương nhân trên đường mở rộng thị trường. Bà nói rằng, Thái Lan, Việt Nam, Lào đẩy mạnh kết nối, cùng hợp tác phát triển và sử dụng các tuyến đường xuyên Á trên trục hành lang Đông Tây như là con đường “du lịch sinh thái” sẽ mở ra những cơ hội lớn để phát triển du lịch. Bà đề nghị hai bên tăng cường hợp tác về du lịch, coi đây là cách tốt nhất để cùng thúc đẩy phát triển kinh tế, sẵn sàng bước vào hội nhập ASEAN trong năm 2015.

  

Liên kết, cùng phát triển

 

Trong 5 ngày gặp gỡ, giao lưu và khảo sát nhiều điểm du lịch ở vùng ĐBTL, chúng tôi nhận thấy, cách làm du lịch ở đây khá chuyên nghiệp. Tôi rất ngạc nhiên khi nhiều điểm di tích lịch sử, chùa tháp miếu mạo; hay các điểm du lịch sinh thái... đều không bán vé cho du khách. Nhưng họ tập trung khai thác các dịch vụ khác như, ăn uống, hàng quà lưu niệm... Anh Nguyễn Văn Thanh, chủ doanh nghiệp du lịch Lăng Cô khẳng định: “Cách thức làm du lịch này là một trong những điều lý thú để chúng ta phải học tập”.

 

Ông Nguyễn Quốc Thành, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, chuyến khảo sát lần này nhằm thúc đẩy xúc tiến du lịch đến thị trường du lịch ĐBTL, trong đó các tỉnh Mucdahan, Nakhonphanom, Udonthani, Khonkean là các địa phương đầu mối trong việc trao đổi khách du lịch trên hành lang kinh tế Đông - Tây.

Anh Lê Hồng Thắng - Điều hành tour, Công ty Lữ hành Quốc tế Thái Sơn - TP Vinh nhận định, chuyến đi này là cơ hội để những đơn vị làm du lịch khai thác nguồn du khách Thái. Tiềm năng, thế mạnh du lịch miền Trung là một điểm đến thu hút nhiều du khách trên thế giới; đặc biệt là du khách Thái. Thời gian gần đây, khách Thái qua đường bộ đến miền Trung tăng lên nhiều, gấp đôi, gấp ba so với trước năm 2005. Tuy nhiên, một thực tế còn tồn tại là các địa phương, các doanh nghiệp du lịch cứ mạnh ai nấy chạy, cát cứ trong việc tìm kiếm khách, làm kìm hãm sự phát triển du lịch của du lịch miền Trung Việt Nam. Anh Lê Văn Quân - Giám đốc Công ty Xanh Việt Traval - Huế, một trong những đơn vị thường xuyên đưa khách Việt qua vùng ĐBTL và ngược lại, nói: Đã làm du lịch, các đơn vị, địa phương cần chú trọng việc hợp tác, liên kết du lịch, phải tăng cường quảng bá, tuyên truyền giới thiệu tiềm năng, thế mạnh giá trị văn hóa ở mỗi vùng miền với nhau. Từng cá nhân, đơn vị phải quy hoạch, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, tuyên truyền, giới thiệu giá trị văn hóa địa phương. Anh Quân cũng chia sẻ: “Phía Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế, miền Trung cũng cần tạo cầu nối, thường xuyên xây dựng những chương trình, tổ chức các sự kiện, trao đổi kinh nghiệm, để xúc tiến, quảng bá giới thiệu hình ảnh du lịch; xóa bỏ ranh giới giữa hai bên, cùng nhau khai thác phát triển kinh tế du lịch”./.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục