Hoạt động của ngành

Du lịch Thừa Thiên Huế tiếp tục tăng trưởng ổn định

Cập nhật: 10/07/2012 10:29:40
Số lần đọc: 2600
Dù chưa có bước phát triển đột phá nhưng với hiệu ứng ban đầu của Năm Du lịch Quốc gia 2012 và nỗ lực trong công tác xúc tiến, quảng bá, hoàn thiện sản phẩm… 6 tháng đầu năm 2012, du lịch Huế tiếp tục có bước phát triển ổn định.

Doanh thu tăng 26%

 

Theo số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VH-TT-DL), 6 tháng đầu năm 2012, ngành du lịch đón hơn 1,3 triệu lượt khách, trong đó có 520.000 lượt khách quốc tế. Tại các khách sạn, nhà nghỉ, ngày lưu trú bình quân của khách đạt 2,04 ngày với gần 900.000 lượt, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó khách du lịch quốc tế đạt gần 390.000 lượt, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2011. Đặc biệt, lượng khách tàu biển đến Huế tăng mạnh, với gần 30.000 lượt khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm, tăng gấp 3,6 lần so cùng kỳ 2011, bao gồm các thị trường chính như Trung Quốc, Hồng Kông, Ý, Tây Ban Nha, Anh, Mỹ, Canada, Úc... Doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm tăng mạnh, đạt 1.065 tỷ đồng, tăng 26.2% so cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu quốc tế chiếm 65%. Hoạt động du lịch tạo nguồn thu tương đối lớn cho xã hội, ước đạt trên 2.500 tỷ đồng.

 

Một thế mạnh của Huế là du lịch lễ hội tiếp tục được quan tâm khai thác. Ngay từ đầu năm mới, nhiều lễ hội truyền thống ở cấp địa phương được tổ chức, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống và tạo điểm đến cho du khách dịp đầu xuân.

 

Sau Liên hoan ẩm thực miền Trung vừa kết thúc, Sở VH-TT-DL đang tiếp tục xúc tiến tổ chức các sự kiện văn hóa-du lịch lớn trong đó có Liên hoan hợp xướng Quốc tế Interkultur, Giải Quần vợt quốc tế U18, Lễ hội điện Huệ Nam...

Trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia 2012, chuỗi sự kiện như chương trình khởi động Năm Du lịch Quốc gia - Huế 2012 với chủ đề “Về miền di sản”, Lễ hội Đền Huyền Trân, Lễ Phật đản - Lễ hội Hoa đăng… đã tạo được không khí lễ hội thường xuyên cho Cố đô Huế. Riêng ba lễ hội biển và đầm phá gồm “Festival Thuận An biển gọi”, “Sóng nước Tam Giang”, “Lăng Cô-Vịnh đẹp thế giới” sau nhiều năm tổ chức tiếp tục được tái hiện trên tinh thần nâng cao chất lượng, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách. Đặc biệt, Festival Huế 2012-với tư cách là điểm nhấn của Năm Du lịch Quốc gia 2012 đã tạo sức lan tỏa lớn, góp phần thúc đẩy du lịch, thu hút hơn 18 vạn lượt khách đến Huế trong 9 ngày diễn ra lễ hội, trong đó có hơn 9 vạn khách quốc tế, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2011 và tăng 54,2% so với Festival 2010.

 

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết, một trong những hoạt động du lịch được quan tâm trong năm 2012 là công tác xúc tiến, quảng bá. Ngoài tham gia các hội chợ du lịch trong nước, tổ chức họp báo tại Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, lần đầu tiên, tỉnh chủ trương đưa du lịch Huế đến hội chợ Châu Á JATA tại Nhật Bản, KOFTA tại Hàn Quốc và và tiếp cận một số thị trường mới như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc…

 

Bên cạnh hàng chục chương trình văn hóa, thể thao qui mô quốc tế, khu vực và Quốc gia được tổ chức tại Huế, trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia 2012, Sở VH-TT-DL tập trung phát triển các sản phẩm đặc thù của Huế, trong đó có chương trình hợp tác với Nhật Bản xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng tại làng cổ Phước Tích, khu vực Cầu ngói Thanh Toàn. Quảng bá sản phẩm đến 200 hãng lữ hành trong nước và quốc tế thông qua các cuộc khảo sát thực tế, trong đó có các điểm đến thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, võ Vạn An, Khu du lịch nước nóng Thanh Tân, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, Khu chứng tích Chín Hầm, các làng nghề đúc đồng, đan lát, làm nón…

 

Phấn đấu đạt trên 2 triệu lượt khách

 

Các hoạt động quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch... tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó có chương trình “Đêm Huế tại Hà Nội”, phối hợp với tổ chức JICA (Nhật Bản) xây dựng các giải pháp xúc tiến, quảng bá, phát triển thị trường du lịch cho năm 2012 và những năm tiếp theo; hỗ trợ nâng cấp dịch vụ xích lô du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch Huế trong mưa....

 

Ngoài mục tiêu đón 2 triệu lượt khách trong năm, một số kế hoạch lâu dài cho phát triển du lịch đang được xúc tiến, trong đó chú trọng phát triển hạ tầng đến các di tích và tuyến điểm du lịch. Triển khai các dự án trọng điểm được tập đoàn Akitek Tenggara thiết kế và kêu gọi đầu tư như kết nối đường bay quốc tế đến Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, kết nối đường biển đến Cảng Chân Mây. Hoàn thành một số hạng mục tại các khu du lịch lớn đang được đầu tư tại Huế. Xây dựng thương hiệu biển Thuận An. Mở rộng thị trường khu vực Đông Bắc Á....

 

Cùng với việc tận dụng, tranh thủ cơ hội, khai thác hợp lý thế mạnh các loại hình tài nguyên du lịch, tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch, duy trì đường dây nóng, phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng nâng giá, ép giá, nạn đeo bám, chèo kéo khách du lịch nhằm giữ vững môi trường văn hóa, du lịch lành mạnh, góp phần xây dựng thương hiệu điểm đến cho du lịch Huế./.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục