Hoạt động của ngành

Du lịch đường sông TP.Hồ Chí Minh: Sản phẩm du lịch chiến lược

Cập nhật: 13/07/2012 14:58:58
Số lần đọc: 2944
Được xác định là một trong những sản phẩm du lịch trọng tâm của ngành du lịch TP cần được đẩy mạnh đầu tư để khai thác hiệu quả, du lịch đường sông TP.Hồ Chí Minh đã và đang có những động thái tích cực để chuyển mình.

Theo thống kê của Sở VH,TT&DL TP.Hồ Chí Minh, thời gian qua ngành du lịch TP đã xây dựng, khai thác có hiệu quả 3 tuyến du lịch đường thủy gồm tuyến tầm ngắn, tầm trung và dài. Cụ thể, tuyến dài từ TP.Hồ Chí Minh xuống các tỉnh ĐBSCL sang Campuchia, hiện đã có một vài doanh nghiệp khai thác.

 

Tuyến tầm trung, từ trung tâm TP.Hồ Chí Minh đi Đồng Nai, Củ Chi, Cần Giờ. Tuyến tầm ngắn với cự ly khoảng 3 - 5km, đi theo các kênh, rạch khu vực nội đô của TP. Để đẩy mạnh và triển khai các chương trình phục vụ công tác phát triển du lịch đường sông đi vào chiều sâu, gần nhất Sở đã làm việc với 18 quận, huyện về việc quy hoạch, định hướng phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn như: làm việc với Khu du lịch Vàm Sát (Cần Giờ) về những kiến nghị cần được giải quyết để tăng sức hấp dẫn điểm đến; làm việc với quận 8 về định hướng phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch đường sông.

 

Theo đó trong thời gian tới, quận 8 và huyện Cần Giờ sẽ là hai điểm dừng chân lý thú cho du khách khi tham gia hành trình này. Cụ thể tại rừng ngập mặn Cần Giờ, qua các chuyến khảo sát cho thấy du lịch đường sông đang có hướng phát triển tích cực và hiệu quả tại đây.

 

Điển hình là việc các đơn vị lữ hành mới chỉ thí điểm đưa Cần Giờ vào lịch trình khai thác du lịch đường thủy trong năm nay nhưng đã thành công, thu hút khá đông khách tham gia; cùng với đó các dự án phát triển mô hình nuôi chim yến kết hợp phát triển du lịch ở xã Tam Thôn Hiệp cũng cho kết quả đáng khích lệ.

 

Trong khi đó, quận 8 sẽ chú trọng phát triển du lịch đường thủy gắn với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường. Phát huy thế mạnh sẵn có về các di tích lịch sử, đình chùa, khu vực kinh doanh ẩm thực để phát triển thành những điểm đến du lịch theo hướng gắn với kế hoạch phát triển du lịch đường sông của TP.

 

Các điểm du lịch của quận 8 bao gồm: mang tính chất tôn giáo tín ngưỡng và di tích lịch sử (chùa Pháp Quang, đình Bình Đông và Nhà tưởng niệm Bác Tôn, chùa Long Hoa; du lịch thương mại (chợ đầu mối nông sản Bình Điền và cảng Phú Định); du lịch du ngoạn (dọc kênh Tàu Hủ, kênh sông Rạch Ông lớn; du lịch văn hóa (lễ hội tôn giáo, lễ hội dân gian); du lịch ẩm thực (món ăn chay tại chùa Long Hoa, phố ăn đêm phường 1, 8,11)...

 

Đáng chú ý về vấn đề xây dựng cảng du lịch cập bến cho các phương tiện giao thông đường thủy, với kinh nghiệm phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng liên quan đến du lịch đường sông, Cục Du lịch đảo Jeju (Hàn Quốc) đã nhận lời hỗ trợ Sở VH,TT&DL TP phát triển du lịch đường sông cũng như trao đổi nhân viên giữa hai cơ quan để tăng cường kinh nghiệm quản lý và xúc tiến du lịch. Đồng thời, đoàn chuyên viên của Cục Du lịch đảo Jeju đã đến TP để khảo sát tuyến du lịch đường sông từ quận 1 ra huyện Cần Giờ.

 

Bên cạnh đó, ngành du lịch TP còn xây dựng nhiều kế hoạnh để tăng tốc phát triển du lịch đường sông như: Xây dựng đề án “Định hướng phát triển du lịch đường sông TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015”; xây dựng tuyến du lịch đường sông tầm trung khả thi bến Bạch Đằng - Cần Giờ; tổ chức khảo sát tuyến du lịch đường sông tầm xa Sài Gòn - Tiền Giang - An Giang - Phnom Penh - Siemriep; quảng bá giới thiệu về tour đường sông và điểm đến du lịch Cần Giờ qua việc tổ chức cho các doanh nghiệp tham dự Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ; tiến hành quảng bá rộng rãi về sản phẩm du lịch đường sông của thành phố 1 tuyến tầm ngắn và tầm trung; xác định và xây dựng các bến tàu phục vụ du khách trên địa bàn thành phố; triển khai thúc đẩy và hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kêu gọi vốn đầu tư, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch…

 

Ông Lã Quốc Khánh - Phó giám đốc Sở VH,TT&DL TP.Hồ Chí Minh cho biết, qua các chuyến khảo sát tuyến, khảo sát các điểm đến để phát triển du lịch đường sông TP vừa qua, có thể khẳng định du lịch đường sông sẽ là sản phẩm chiến lược của du lịch TP trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng xây dựng bến bãi, cầu cảng, cải tạo bến tàu Bạch Đằng... Sắp tới, ngành du lịch TP sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về tiềm năng, thế mạnh của du lịch đường sông nhằm thu hút các nhà đầu tư tích cực tham gia cùng TP.

 

Cục Du lịch đảo Jeju (Hàn Quốc) đã nhận lời hỗ trợ Sở VHTTDL TP phát triển du lịch đường sông cũng như trao đổi nhân viên giữa hai cơ quan để tăng cường kinh nghiệm quản lý và xúc tiến du lịch. Đồng thời, đoàn chuyên viên của Cục Du lịch đảo Jeju đã đến TP để khảo sát tuyến du lịch đường sông từ quận 1 ra huyện Cần Giờ./.

Nguồn: Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục