Hoạt động của ngành

Văn hoá các dân tộc Xứ Lạng - Tiềm năng lớn để phát triển du lịch

Cập nhật: 12/07/2012 15:52:43
Số lần đọc: 2539
Nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, Lạng Sơn là một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc anh em đã lâu đời chung sống đoàn kết bên nhau như: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay… Chính đặc điểm này đã góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú, giàu bản sắc của nền văn hoá các dân tộc Xứ Lạng.

Ngày nay, trong bối cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đặc biệt là kinh tế du lịch với loại hình du lịch văn hoá được chú ý hướng đến nhiều thì nền văn hoá các dân tộc Xứ Lạng đã thực sự trở thành một tài nguyên, tiềm năng lớn để Lạng Sơn phát triển du lịch một cách mạnh mẽ.

Thật vậy, văn hoá các dân tộc là một nội dung đặc sắc tạo nên sự thu hút, hấp dẫn và riêng có của nền văn hoá Xứ Lạng cũng như sự đa dạng của các loại hình du lịch văn hoá ở Lạng Sơn. Chúng ta dễ dàng nhận thấy, qua một loạt các hoạt động văn hoá, du lịch trong một năm ở Lạng Sơn thì dường như yếu tố bản sắc văn hoá dân tộc là đóng vai trò nòng cốt và xuyên suốt.

Tiêu biểu phải kể đến trước nhất là những lễ hội mùa xuân. Trên  phông màu văn hoá dân tộc, các lễ hội nổi bật lên, tiêu biểu cho các lễ hội của cư dân vùng núi phía Bắc. Điều này được thể hiện rõ nét hơn qua những đặc điểm như, Lạng Sơn có đến 90% các lễ hội được tổ chức hàng năm mang tính chất là lễ hội Lồng Tồng - lễ hội cầu mùa, cầu mưa, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, “nhân khang, vật thịnh”,… Nhưng lễ hội ở mỗi địa phương khác nhau lại mang phong vị và sắc thái đặc trưng khác nhau không lẫn vào đâu được.

Trong các lễ hội này, bên cạnh phần nghi lễ truyền thống của đồng bào các dân tộc là hàng loạt các trò chơi, trò diễn mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Xứ Lạng như: trò Sĩ – Nông – Công – Thương, đồng diễn múa Sư tử mèo, biểu diễn võ dân tộc với những bài quyền khoẻ khoắn thể hiện sức mạnh, ý chí và tinh thần thượng võ, quật cường của đồng bào các dân tộc trên mảnh đất biên cương Xứ Lạng; những trò chơi thể hiện tình đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, tinh thần lạc quan trong cuộc sống như: Kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo, ném còn… Rồi những làn điệu dân ca đằm thắm, mượt mà tình yêu quê hương xứ xở, tình yêu đôi lứa như hát sli - lượn, hát then đàn tính, hát Xắng cọ… trong ngày vui, ngày tết và cả những dịp tụ họp sinh hoạt văn hoá tinh thần của bà con.

 

Song song với đó, còn phải kể đến sự góp mặt của các món ăn ẩm thực cũng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Xứ Lạng. Đặc biệt nhất là món thịt lợn quay lá mác mật. Khi ăn thịt lợn quay với các gia vị măng ớt – quả mác mật đặc trưng, kèm lá sau sau non và chiêu thêm một ngụm rượu ấm nóng do bà con dân tộc tự chưng cất và vẫn dân dã gọi là “rượu làng” thì càng hấp dẫn và ngon miệng, đậm đà khó quên. Ở Lạng Sơn mùa này đang là mùa măng mọc.  Măng non xào với lá chanh hoặc lá mác mật non, với vị ngăng ngăng đắng sẽ làm cho món ăn thật lạ và ngon miệng với mỗi du khách miền xuôi có dịp thăm Xứ Lạng…

Không dừng lại ở đó, khi đến với mỗi làng quê của đồng bào các dân tộc Xứ Lạng, du khách dễ dàng cảm nhận được tấm chân tình, mến khách của những người dân nơi đây. Một bát nước chè, một chén rượu tự nấu, một lát bánh khảo, một bát cháo ngô… được chủ nhà đem ra mời khách tuy đơn sơ nhưng chứa đựng và thể hiện biết bao tình cảm chân thành và mộc mạc trong ứng xử, giao tiếp, trong đãi khách. Nếu muốn, khách có thể cùng tham gia vào sản xuất, lao động với người dân, cùng chế biến các món ăn dân dã và thưởng thức nó trong phong vị làng quê. Phải nói rằng, bình minh ở các làng quê Xứ Lạng thật yên ả. Ai có thói quen thức dậy sớm càng dễ cảm nhận được sự yên lành đó. Không khí trong lành, mát mẻ của buổi ban mai như xua đi tất cả mệt mỏi của hành trình, nhiều xúc cảm dâng trào, mời gọi, đưa dẫn du khách tiếp tục đến những khám phá mới…


Vẫn còn rất nhiều điều đặc sắc của văn hoá Xứ Lạng, cũng như nhiều món ăn đặc sản, sản vật tiêu biểu của đồng bào các dân tộc nơi đây không thể kể hết. Song, tin chắc rằng, với tất cả những nét văn hoá đặc sắc, mang phong cách, phong vị của mỗi làng quê Xứ Lạng sẽ đem đến cho du khách mỗi lần có dịp đến tham quan là một lần trải nghiệm mới.


Nhận thức rõ những lợi ích, tiềm năng to lớn của nền văn hoá dân tộc Xứ Lạng trong phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn cũng đã có nhiều động thái tính cực để khơi dậy và phát huy vốn văn hoá đặc sắc trên như tích cực triển khai nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Lạng Sơn. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xắng cọ của dân tộc Sán Chỉ ở Nhượng Bạn (Lộc Bình), khôi phục lễ hội Nà Cưởm, xã Tân Lang (Văn Lãng); tìm giải pháp phát triển du lịch tại cộng đồng; định kỳ hai năm lại tổ chức Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Lạng Sơn với sự luân chuyển tổ chức tại các huyện, thành phố để tạo điểm nhấn, rồi tổ chức kết hợp giữa lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa của các xã, thị trấn với Đại hội TDTT ở cơ sở…  Qua đó, đã tiếp tục khơi dậy tinh thần bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị di sản văn hoá dân tộc trong đông đảo các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển kinh tế du lịch, thu hút du khách đến với địa phương một cách mạnh mẽ.

 

Vậy nên, để văn hoá các dân tộc Xứ Lạng, với các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể tiêu biểu phát huy được tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của mình trong phát triển du lịch, cần thiết phải có những động thái tích cực, giải pháp cụ thể và thiết thực hơn nữa từ phía các cấp, ngành hữu quan và đặc biệt là phải tìm cách khơi dậy được ý thức tự giác của mỗi người dân trong công tác bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của địa phương./.

Nguồn: website Lạng Sơn

Cùng chuyên mục