Nghệ An: Bảo tồn, phát huy bản sắc các dân tộc thiểu số
Trước sự giao thoa của các nền văn hóa và sự mai một bản sắc văn hóa truyền thống, việc bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị văn hóa cũng như tinh thần trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là một vấn đề cần được quan tâm.
Việc bảo tồn, kế thừa có chọn lọc và phát huy những tinh hoa văn hóa truyền thống văn hóa dân tộc trong những năm qua được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư và phát triển. Các chương trình, chính sách đã đem lại hiệu quả thiết thực đối với đồng DTTS.
Những năm qua, trên lĩnh vực văn hóa, Nghệ An đã quan tâm đầu tư ban hành các chính sách hỗ trợ bảo tồn phát triển xây dựng văn hóa các DTTS như Quyết định 84/2006 về bảo tồn phát triển văn hóa các DTTS giao cho Ban Dân tộc tỉnh chủ trì hàng năm, đã tổ chức sưu tầm, lưu giữ các giá trị văn hóa, các lớp dạy chữ Mông, Thái, Ơ đu đã phát huy tốt hiệu quả. Các CLB chữ Thái ở các địa phương đã đi vào quy củ, nề nếp tạo nên phong trào lưu giữ tìm hiểu văn hóa dân tộc. Nhiều người tâm huyết, gìn giữ vốn cổ như các ông Sầm Văn Bình, Lô Khánh Xuyên….
Nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh Nghệ An tưởng chừng bị mai một, đã được phục dựng: Đền Chín gian ở Quế Phong, Đền Chiêng Ngam ở Quỳ Châu; Làng văn hóa bản Vi, tại xã Bắc Sơn (Quỳ Hợp); bảo tồn bản Huồi Thợ (một bản Khơ mú tại xã Hữu Kiệm - Kỳ Sơn), triển khai đề án “Bảo tồn khèn bè người Thái” tại huyện Tương Dương; thành lập các CLB văn hóa ở huyện Con Cuông, xây dựng, bảo tồn làng văn hóa các dân tộc Ơđu... Bên cạnh những giá trị vật chất ấy, các giá trị tinh thần cũng không ngừng được gìn giữ và phát huy, các lễ hội không ngừng củng cố và được phát triển...
Trong các năm qua, Nghệ An đã tổ chức các cuộc thi, liên hoan như: Liên hoan Văn hóa các dân tộc thiểu số năm 2008, Hội diễn văn nghệ các dân tộc thiểu số năm 2011, tạo sân chơi lành mạnh và sự giao lưu văn hóa giữa đồng bào các dân tộc với nhau.
Mặc dù đã được quan tâm đầu tư, bảo tồn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, nhưng những công trình phục dựng, bảo tồn, lưu giữ so với bề dày văn hóa các DTTS hết sức khiêm tốn. Về văn hóa vật thể, theo thống kê sơ bộ toàn tỉnh hiện nay chỉ còn 54 bản lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống (làng cổ), trong đó có 46 bản Thái, 2 bản Mông, 4 bản Thổ, 2 bản Khơmú...
Việc phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật, nghiên cứu lưu giữ các loại hình văn hóa, gìn giữ vốn đang có nhiều tín hiệu đáng mừng: Các CLB dạy chữ Thái, sử dụng các nhạc cụ, khí cụ và các làn điệu dân ca, dân vũ ở các xã, bản ngày càng phát triển. Các lớp dạy làm khèn bè, sáo các loại hình nhạc cụ dân tộc được lớp trẻ hưởng ứng. Với chuyên mục Giữ gìn vốn cổ trên Báo Nghệ An cuối tuần và việc Chính phủ cấp miễn phí cho người uy tín ngày càng tạo thêm động lực cho các thế hệ đồng bào quyết tâm gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc./.