Quảng Ninh: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản – kỳ quan Vịnh Hạ Long
Với những giá trị ngoại hạng, Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới đã mở ra cho ngành du lịch Quảng Ninh nhiều cơ hội mới. Có thể thấy những năm qua, Vịnh Hạ Long đang là điểm đến hấp dẫn hàng triệu du khách quốc tế mỗi khi đến Việt Nam. Vịnh Hạ Long đã có mặt trong danh sách điểm đến của các công ty lữ hành trên toàn thế giới. Hàng trăm chuyến tàu biển hạng sang đưa du khách đến với Vịnh Hạ Long mỗi năm. Đây còn được coi là địa danh hàng đầu để ngành du lịch Việt Nam quảng bá thương hiệu đất nước, quảng bá hình ảnh con người, văn hoá Việt Nam. Nếu như cách đây khoảng 20 năm, lượng khách du lịch đến Hạ Long chỉ vài trăm nghìn, thì 6 tháng đầu năm 2012 con số này là gần 1,4 triệu lượt, trong đó có hơn 960 nghìn lượt khách quốc tế. Tổng thu phí tham quan Vịnh Hạ Long 6 tháng đầu năm 2012 đạt 94,4 tỷ đồng.
Nhìn một cách tổng thể, có được kết quả đó không thể không kể đến những nỗ lực, cố gắng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của vịnh được Ban quản lý Vịnh Hạ Long làm tốt. Đặc biệt, khi Quảng Ninh đã xây dựng chiến lược phát triển du lịch toàn diện và mạnh mẽ; đẩy mạnh liên kết du lịch giữa các vùng, miền trong tỉnh, trong khu vực và quốc tế, tạo sự liên kết bền vững, đồng bộ trên cơ sở phát huy, khai thác giá trị của tài nguyên thiên nhiên Vịnh Hạ Long.
Qua đó, công tác bảo tồn đặc biệt được Ban quản lý Vịnh Hạ Long chú trọng. Cụ thể như: đã thành lập 4 đội chuyên trách thu gom rác tại 4 trung tâm trên Vịnh. 6 tháng đầu năm 2012 các đội này đã thu gom được gần 3,2 ngàn m3 rác. Ban quản lý Vịnh còn kết hợp với các doanh nghiệp tiến hành xã hội hóa công tác thu gom, xử lý rác thải, tuyên truyền, khuyến khích các tổ tự quản thu gom rác trên Vịnh; phối hợp với dự án JICA phát thùng chứa rác và phân loại rác cho các hộ dân sống trong làng chài; xây dựng phương án thu gom, xử lý nước thải lỏng trên tàu du lịch… Hoạt động thu gom rác trên của Ban quản lý Vịnh không chỉ cải thiện đáng kể môi trường Vịnh mà quan trọng hơn là hoạt động này đã góp phần thay đổi nhận thức của một bộ phận cư dân trên Vịnh.
Với mục đích bảo vệ nguyên trạng môi trường di sản, bên cạnh hoạt động thu gom rác, Ban quản lý Vịnh còn thành lập đội kiểm tra xử lý vi phạm trên vịnh 24/24 giờ. Tính từ năm 2007 đến nay, đội đã xử lý trên 500 vụ vi phạm, trong đó có hơn 200 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Riêng 6 tháng đầu năm 2012 đã lập biên bản 34 vụ vi phạm, cảnh cáo, giáo dục trên 20 trường hợp. Nhờ vậy mà đã hạn chế được phần nào những tác động tiêu cực đến môi trường vùng di sản.
Song song với công tác bảo tồn, trong những năm qua, Ban quản lý Vịnh cũng đã có nhiều cố gắng nhằm phát huy hơn nữa giá trị di sản Vịnh Hạ Long. Đến nay, Ban quản lý Vịnh đã xuất bản hơn 30 đầu ấn phẩm tuyên truyền, thực hiện 30 dự án, đề tài công trình nghiên cứu khoa học về giá trị di sản. Phối hợp với các cơ quan đài, báo ở trung ương và địa phương duy trì chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, quảng bá Vịnh Hạ Long; tổ chức các buổi thuyết minh, giới thiệu cũng như giáo dục cộng đồng cho khách du lịch và các hộ ngư dân làng chài, các tổ chức kinh tế - xã hội trên vịnh; duy trì hoạt động dự án Con thuyền sinh thái Eco-boat… Bên cạnh đó, được sự quan tâm của tỉnh, Ban Quản lý Vịnh đẩy mạnh đầu tư trên 50 dự án tôn tạo, bảo tồn di sản phục vụ khách tham quan như: các công trình đường đi lại, bến cập tàu Thiên Cung – Đầu Gỗ; điểm nghỉ đêm trên vịnh với số vốn hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt trong thời gian diễn ra cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới do tổ chức NewOpenWorld phát động, Ban quản lý Vịnh đã thực sự trở thành lực lượng đi đầu trong cuộc vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long.
Những kết quả mà Ban quản lý Vịnh Hạ Long đạt được trong những năm vừa qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý rằng trong những năm tới gánh nặng đặt lên Ban quản lý Vịnh là không hề nhỏ. Sức ép về môi trường đối với Vịnh Hạ Long sẽ ngày một tăng lên khi mà mỗi năm có tới hàng triệu lượt khách tham quan. Cùng với đó là hoạt động của trên 500 tàu du lịch các loại và gần 700 nhà bè với hơn 2000 nhân khẩu sinh sống thường xuyên trên Vịnh. Đó là những thách thức đặt ra cho Ban quản lý Vịnh Hạ Long trong việc tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của di sản ngoại hạng này./.