Hoạt động của ngành

Quảng Ngãi: Đón nhận bằng di tích lịch sử Quốc gia Mộ và Đền thờ Huỳnh Công Thiệu

Cập nhật: 06/08/2012 09:22:47
Số lần đọc: 3171
Ngày 3/8, UBND huyện Đức Phổ phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tịch lịch sử cấp quốc gia Mộ và Đền thờ Huỳnh Công Thiệu.

Đền thờ Huỳnh Công Thiệu (nguồn ảnh: baoquangngai.com.vn)

Huỳnh Công Thiệu sinh ra và trưởng thành vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVI tại làng Mộc Thang, xã Cam Già, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Ông sớm được tuyển mộ vào quân đội nhà Lê và tham gia vào công cuộc mở rộng cương giới quốc gia khi tuổi đời còn rất trẻ. Vì đánh giặc giỏi nên ông được giao đảm nhận các vị trí quan trọng trong việc chỉ huy quân đội nhà Lê, đã nhiều lần phụng mệnh cầm quân giữ phần đất miền biên trấn phía Nam, góp phần củng cố và mở rộng cương giới quốc gia Đại Việt.

Những năm đầu của thế kỷ XVII, Chánh Đề Lãnh Huỳnh Công Thiệu được vua Lê cử vào cai quản phủ Quảng Nghĩa để lãnh đạo công cuộc khai hoang và ổn định tình hình ở đây. Cùng với việc tạo dựng thôn ấp, tổ chức làm thủy lợi, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của vùng này phát triển thành một trong những vựa lúa của phủ Quảng Nghĩa, Huỳnh Công Thiệu đồng thời chăm lo công tác an ninh, quốc phòng, bảo vệ xóm làng, củng cố cộng đồng ngày càng yên vui hạnh phúc. Để tưởng nhớ và lưu danh công lao của Huỳnh Công Thiệu, ngày 22 tháng 2 niên hiệu Thành Thái thứ 2 (năm 1890), nhân dân địa phương đã góp công của xây mộ, lập hai đền thờ và dựng bia ghi lại công tích của ông.

Di tích Mộ - Đền thờ Huỳnh Công Thiệu được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII, bao gồm 3 địa điểm. Mộ Huỳnh Công Thiệu tọa lạc tại thôn An Trường, xã Phổ Hòa, huyện Đức Phổ. Khu thờ Huỳnh Công Thiệu gồm có 2 đền thờ: đền thờ Phổ Ninh tại thôn An Trường, xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ và đền thờ Phổ Minh thuộc thôn Tân Tự, xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ. Đền thờ Huỳnh Công Thiệu tại hai xã Phổ Ninh và Phổ Minh đều được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII với kết cấu gỗ, năm hàng chân cột, ba gian, mái lợp ngói âm dương. Nội thất với ba gian thờ có hương án, bàn thờ, án thờ, khám thờ cùng các đồ thờ phù hợp với chức năng thờ tự một vị tướng vũ dũng và đức độ. Đền thờ Huỳnh Công Thiệu ở thôn An Trường, xã Phổ Ninh còn lưu giữ bia đá với văn bia được soạn khắc bằng chữ Hán vào năm 1876, năm Tự Đức thứ 28. Đền thờ Huỳnh Công Thiệu ở thôn Tân Tự, xã Phổ Minh còn giữ được đơn bằng về công điền thổ bằng chữ Hán của hai ấp An Trường và Tân Tự, được biên soạn năm Duy Tân nguyên niên 1907 và sắc phong của vua Thành Thái triều Nguyễn niên hiệu 2, năm 1890, tấn phong cho Đề Lãnh Huỳnh Công Thiệu và con trai Huỳnh Công Bảng là bậc tiền hiền của xứ Lộ Bôi.

Hàng năm, đến ngày 16 tháng 6 âm lịch, tại hai đền thờ, con cháu họ Huỳnh và nhân dân địa phương đều tổ chức ngày giỗ Đức ông Huỳnh Công Thiệu. Ngày giỗ được tổ chức trang nghiêm, thành kính với các nghi lễ truyền thống như lễ rước sắc phong bằng kiệu, lễ tế. Ngày 29/3/2012, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định 1210/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Di tích Quốc gia di tích lịch sử Mộ và nhà thờ Huỳnh Công Thiệu tại xã Phổ Hòa, Phổ Ninh, Phổ Minh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. 

Việc xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia Mộ - Đền thờ Huỳnh Công Thiệu sẽ góp phần bảo vệ những tư liệu có giá trị rất lớn về lịch sử, văn hóa tại Mộ - Đền thờ Huỳnh Công Thiệu./.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục