Hoạt động của ngành

Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá độc đáo và đa dạng của Tây Nguyên

Cập nhật: 30/08/2012 08:58:26
Số lần đọc: 1973
Đó là chủ đề của buổi tọa đàm diễn ra ngày 29/8, tại Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam. Tọa đàm là một trong các hoạt động nằm trong khuôn khổ “Những ngày Văn hoá Tây Nguyên tại Hà Nội lần thứ II - 2012”.

Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: VH

Tham dự tọa đàm có các nhà quản lý, chuyên gia nghiên cứu văn hoá dân gian, văn hoá dân tộc thiểu số, các nhân sĩ trí thức, nghệ nhân Tây Nguyên.

Tại buổi toạ đàm, các đại biểu đều khẳng định việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá độc đáo và đa dạng của Tây Nguyên là hết sức cần thiết. Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá độc đáo và đa dạng của Tây Nguyên, các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể tại cộng đồng như bảo tồn làng truyền thống để gìn giữ không gian sinh tồn của văn hoá tộc người, thực sự trở thành những “bảo tàng sống” của văn hoá Tây Nguyên; đồng thời tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc được giao lưu, quảng bá các giá trị văn hoá dân tộc với các cộng đồng láng giềng và quốc tế.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, cần có chiến lược đầu tư cho con người và vật chất cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc; chú trọng công tác đào tạo, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, xuất bản về văn hoá dân tộc.

Các ý kiến của các đại biểu cũng bày tỏ mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của Tây Nguyên, cũng như tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, tạo sự hiểu biết của xã hội về bảo tồn, phát triển văn hoá dân tộc thiểu số.

Ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đồng Trưởng Ban Tổ chức “Những ngày Văn hoá Tây Nguyên tại Hà Nội lần thứ II - 2012” khẳng định: Toạ đàm “Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá độc đáo và đa dạng của Tây Nguyên” là một diễn đàn, tiếng nói từ thực tiễn nhằm thúc đẩy quá trình bảo tồn và phát huy văn hoá Tây Nguyên, từ đó tìm ra những biện pháp, mô hình hoạt động hữu hiệu nhất trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá độc đáo và đa dạng của Tây Nguyên để vừa bảo tồn được vốn văn hoá truyền thống, vừa phát huy và khai thác có hiệu quả nền tảng truyền thống đó trong hội nhập và phát triển, giao lưu quốc tế, quảng bá du lịch./.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục