Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về du lịch
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh chủ trì hội nghị
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hoàng Thị Điệp; lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL và Tổng cục Du lịch; đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố; đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê, các Sở VHTTDL, doanh nghiệp du lịch và phóng viên một số báo đài Trung ương và địa phương.
Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu từ cuối năm 2008 nhưng du lịch thế giới vẫn tiếp tục tăng trưởng và là ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất sau khủng hoảng. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), năm 2010 lượng khách quốc tế trên toàn cầu đã đạt 935 triệu lượt khách, tăng 6,7% so với năm 2009, và năm 2011 đạt 980 triệu lượt khách, tăng 4,6% so với năm 2010, tổng thu du lịch quốc tế lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 tỉ USD, tăng 7,7% so với năm 2010. Đáng chú ý là hoạt động du lịch đã chuyển hướng mạnh sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, khu vực này chiếm 22% tổng lượng khách toàn cầu, hiện chỉ đứng sau Châu Âu. Nhiều quốc gia đã đầu tư rất lớn cho phát triển du lịch, xây dựng nhiều sản phẩm hấp dẫn và cạnh tranh, đẩy mạnh các chiến dịch xúc tiến quảng bá nhằm mở rộng thị phần. Chính vì thế cạnh tranh về điểm đến ngày càng gay gắt, tạo áp lực cho quá trình phát triển của du lịch Việt Nam trong giai đoạn tới.
Trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen, ngành Du lịch Việt Nam đã tranh thủ mọi nguồn lực để thúc đẩy tuyên truyền, quảng bá, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ,… Nhờ vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 2 năm 2010-2011 đã tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2010, du lịch Việt Nam đã đón hơn 5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 34,8% so với năm 2009, tổng thu du lịch đạt 94.000 tỉ đồng. Năm 2011 đón được hơn 6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 60,49% so với năm 2009, tổng thu du lịch đạt 130.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 5,8% GDP của cả nước.
Cùng với đó, du lịch nội địa đã trở thành một trong những động lực chính đối với phát triển du lịch ở nhiều địa phương. Năm 2010 du lịch nội địa đạt 28 triệu lượt khách, tăng 12% so với năm 2009; năm 2011 đạt 30 triệu lượt, tăng 20% so với năm 2009.
Trong 8 tháng qua, trong khi hầu hết các ngành kinh tế của nước ta đều gặp khó khăn nhưng ngành du lịch vẫn tiếp tục phát triển và trở thành một điểm sáng của nền kinh tế. Tính đến tháng 8 trong năm 2012, du lịch Việt Nam đã đón được 4,38 triệu lượt khách quốc tế, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2011; khách du lịch nội địa ước đạt 23,2 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 98.000 tỉ đồng.
Cùng với sự tăng trưởng về khách và tổng thu thì hệ thống cơ sở lưu trú (CSLT), doanh nghiệp lữ hành, nguồn nhân lực du lịch đã có sự phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Hiện nay cả nước có khoảng 13.000 CSLT với khoảng 265.000 buồng, tăng lần lượt 19,2% và 23% so với năm 2009. Trong đó có gần 3.000 CSLT đạt tiêu chuẩn từ 1-5 sao, với khoảng 120.000 buồng. Số lượng CSLT đạt tiêu chuẩn cao từ 3-5 sao là 490 khách sạn, với 51.253 buồng (53 khách sạn 5 sao, 137 khách sạn 4 sao và 300 khách sạn 3 sao). Về doanh nghiệp lữ hành quốc tế, năm 2009 có 789 doanh nghiệp thì đến nay cả nước đã có 1.090 doanh nghiệp, tăng 38,1% so với năm 2009.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, ngành du lịch vẫn phải đối mặt với một số khó khăn, hạn chế cần phải giải quyết trong thời gian tới đó là: khả năng liên kết tầm vĩ mô còn hạn chế; tình trạng chèo kéo khách du lịch chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời; nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các điểm tham quan và trạm dừng chân còn thiếu; mất an toàn giao thông trong vận chuyển du khách; vệ sinh môi trường tại các bãi biển chưa tốt; nguồn lực dành cho công tác xúc tiến quảng bá còn hạn chế; sản phẩm du lịch còn đơn điệu và bị trùng lặp; chưa kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm; nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu…
Toàn cảnh Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội
Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự ở cả 3 đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM xung quanh những vấn đề như: đánh giá kết quả đạt được và những hạn chế của hoạt động du lịch trong thời gian vừa qua, chương trình hành động nhằm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, những giải pháp, đề xuất liên quan tới liên kết trong phát triển du lịch, đảm bảo môi trường du lịch, xúc tiến quảng bá, chất lượng sản phẩm, đào tạo...
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đánh giá cao và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội nghị và chỉ đạo ngành du lịch tập trung giải quyết tốt một số vấn đề sau: Phối hợp với các bộ ngành liên quan và các địa phương để hoàn thành việc xây dựng nhà vệ sinh du lịch đạt chuẩn ở các điểm du lịch trên toàn quốc vào năm 2013; ngăn chặn nạn chèo kéo, chặt chém khách du lịch trên toàn quốc; phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam trong công tác xúc tiến quảng bá; nhanh chóng triển khai áp dụng tài khoản vệ tinh du lịch theo khuyến nghị của UNWTO; tăng cường quản lý nhà nước về du lịch; đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên…
Bài và ảnh: Thế Phi
Trung tâm Thông tin Du lịch