Hoạt động của ngành

Du lịch Ninh Bình: Khu dự trữ sinh quyển thế giới

Cập nhật: 30/08/2012 15:17:14
Số lần đọc: 3359
Vùng đất màu mỡ hàng năm tiến ra biển gần 200 mét ở Kim Sơn đã vinh dự được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nơi đây hứa hẹn sẽ trở thành một vùng du lịch đồng quê vừa hoang dã, đa dạng sinh học lại hấp dẫn. Xin giới thiệu tổng quan với các bạn về khu vực mà Unesco ghi vào danh mục các vùng bảo vệ đặc biệt của thế giới, nơi được coi là vườn ươm sự sống và cái máy điều hoà của biến đổi khí hậu trái đất.

UNESCO đã vinh danh 7 xã bãi ngang ven biển Kim Sơn là khu dự trữ sinh quyển thế giới trong đó 4 xã thuộc vùng chuyển tiếp là Kim Tân, Kim Mỹ, Cồn Thoi và thị trấn Bình Minh; 4 xã thuộc vùng sinh quyển là Kim Hải, Kim Trung và Kim Đông; vùng lõi được đưa vào là toàn bộ khu vực phía nam đê biển Bình Minh 2 gồm: bãi bồi, rừng ngập mặn Kim Sơn, các nông trường quân đội, vùng biển Ninh Bình, đảo cồn nổi và cồn mờ.

Vùng chuyển tiếp gồm 10.034 ha (Nội địa: 6.634 ha; biển: 3.400 ha thuộc các xã Kim Mỹ, Kim Tân, Cồn Thoi, Bình Minh) còn được gọi là vùng phát triển bền vững, nơi cộng tác của các nhà khoa học, nhà quản lý và người dân địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi và đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ đi đôi với tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng. Ranh giới vùng chuyển tiếp được xác định dựa trên địa giới hành chính xã nằm dọc theo đê biển.

Vùng sinh quyển bãi ngang - cồn nổi Kim Sơn gồm 4.854 ha (Nội địa: 3.454 ha; biển: 1.400 ha thuộc các xã Kim Hải, Kim Trung, Kim Đông) Là vùng có thể tiến hành các hoạt động kinh tế, nghiên cứu, giáo dục và giải trí. Ranh giới vùng được tính từ đê biển ra phía ngoài bãi bồi thấp nhất khi nước triều xuống. Đây là khu vực rất quan trọng cho các loài chim di cư từ vùng lõi cũng như các nơi khác đến kiếm ăn và trú ngụ.

Đánh giá tình trạng đa dạng sinh học của các vùng chim quan trọng đất ngập nước ở khu vực châu thổ Bắc Bộ, tổ chức bảo tồn các loài chim và sinh cảnh BirdLife Quốc tế tại Việt Nam nhận định đợt khảo sát toàn diện các vùng đất ngập nước ven biển khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng đã xác định được 6 vùng chim quan trọng đất ngập nước ưu tiên cho công tác bảo tồn trong khu vực có tính đa dạng phong phú và có ý nghĩa toàn cầu. Đây là vùng có ý nghĩa sống còn đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Đông Dương, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với các loài chim nước di cư đến và đi qua từ Đông Bắc Á và Xibêri đến châu Đại Dương. Do đó, việc duy trì tính toàn vẹn và chất lượng sinh cảnh vùng đồng bằng Bắc Bộ được coi là một nghĩa vụ quốc tế. Theo tổ chức Friends of the Earth, bảo vệ những vùng đệm tự nhiên là cách giải quyết duy nhất để bảo vệ dân cư vùng ven biển chống lại sóng triều và các đe dọa khác trong tương lai.

Rừng ngập mặn Kim Sơn (Ninh Bình) được chính phủ Việt Nam, Nhật Bản và Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Bình trồng từ năm 1995 với 2 loại cây sú, vẹt. có tổng diện tích gần 1000 ha, chủ yếu được trồng ở những bãi bồi ven biển. Kim Sơn được Tổ chức BirdLife đánh giá là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng ở vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ, được kiến nghị công nhận là khu Ramsar do đáp ứng các tiêu chí: tập trung nhiều kiểu đất ngập nước còn khá nguyên trạng đặc trưng cho vùng cửa sông ven biển Bắc Bộ, là nơi tập trung chim nước với số lượng gần 28.000 cá thể. Từ năm 2002, khi phong trào nuôi tôm sú vùng bãi bồi phát triển mạnh, con người đã khai phá đất ven biển, chặt phá rừng phòng hộ để làm đầm trái phép. Trước thực trạng này, các ngành chức năng đã nghiên cứu các mô hình xây dựng rừng phòng hộ ven biển và các mô hình lâm ngư kết hợp. Nổi bật là các mô hình trồng rừng ngập mặn phòng hộ đê biển và trồng cây bờ bao do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nghiên cứu, triển khai./.

Nguồn: website du lịch Ninh Bình

Cùng chuyên mục