Non nước Việt Nam

Dân tộc Cờ Lao

Cập nhật: 24/09/2012 14:58:18
Số lần đọc: 2466
Do sinh sống trên vùng cao nguyên đá nên nguồn sống chính của người Cờ Lao ở Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) là làm nương rẫy và thổ canh trên các hốc đá tai mèo. Ngô là cây lương thực chính, ngoài ra đồng bào còn trồng lúa mạch, đậu răng ngựa, đậu Hà Lan, dong riềng, su hào, rau cải, hành, tỏi, ớt… chăn nuôi bò để lấy sức kéo, nuôi ngựa để thồ hàng.

Người Cờ Lao ở vùng núi đất Hoàng Su Phì chuyên sống bằng nghề làm ruộng nước – khai thác sườn núi thành ruộng bậc thang, làm nương đất, dẫn nước từ các dòng suối trên núi vào tưới cho ruộng. Ngoài cây lúa là cây lương thực chính, đồng bào còn trồng ngô và các loại hoa màu khác. Cây trồng mang tính đặc thù của đồng bào Cờ Lao là cây chè.

 

Nghề thủ công của người Cờ Lao phổ biến là đan lát (nong, bồ, gùi, cót, thúng, mủng...), làm đồ gỗ (hòm, yên ngựa, bàn ăn…) và một số làng đồng bào mở lò rèn sửa chữa nông cụ.

 

Người Cờ Lao sống định cư thành từng bản khoảng 15-20 nóc nhà, xây dựng trên các sườn núi đá tai mèo ở Đồng Văn hoặc trên các sườn núi đất ở Hoàng Su Phì. Bản của người Cờ Lao xen lẫn trong bản của người Mông, người Dao. Nhà ở được làm bằng đất, gỗ, tre, lá, thường có ba gian hai chái. Mái lợp bằng cỏ gianh hoặc bằng phên nứa, vách nhà bưng ván hay tấm liếp. Riêng đối với nhóm người Cờ Lao Đỏ làm nhà trình tường.

 

Trang phục của phụ nữ Cờ Lao mặc áo giống với áo của phụ nữ người Giáy là áo 5 thân, xẻ ngực chéo sang nách phải nhưng vạt áo dài đến dưới đầu gối, áo được trang trí bằng những miếng vải đáp trên ngực áo, tay áo từ giữa ngực sang nách phải theo mép xẻ. Trước đây người Cờ Lao Trắng, Cờ Lao Xanh còn mặc thêm chiếc áo ngắn tay ra ngoài áo dài để phô những miếng vải mầu đắp trên tay áo trong, chân cuốn xà cạp. Hiện nay chỉ còn lại một số bà già nhóm Cờ Lao Đỏ là mặc váy, còn nhìn chung các nhóm Cờ Lao phụ nữ đều là mặc quần.

 

Tín ngưỡng của người Cờ Lao là thờ đa thần. Đồng bào tin rằng mỗi người có 3 hồn. Lúa, bắp và gia súc cũng có hồn. Hồn lúa lại có hồn lúa bố, hồn lúa mẹ, hồn lúa vợ, hồn lúa chồng. Vì thế mỗi mùa gặt xong, người Cờ Lao phải cúng hồn lúa vào lễ tiết mùng 5 tháng 5.

 

Người Cờ Lao thờ cúng tổ tiên ba, bốn đời. Thần đất là vị thần quan trọng được gia đình và toàn bản thờ cúng. Ngoài ra, đồng bào còn thờ cúng vị thần ở trên nương (eo mèo) trên hốc đá ở chỗ cao nhất nương đặt một hòn đá có hình dáng giản dị, để làm tăng thêm vẻ linh thiêng huyền bí của chủ nương và của mỗi gia đình.

 

Về hôn nhân gia đình, dân tộc Cờ Lao thực hiện hôn nhân một vợ một chồng, cư trú bên nhà chồng và ngoại hôn dòng họ. Theo phong tục con trai cô được lấy con gái cậu, ngược lại con trai của cậu có thể lấy con gái của cô. Đồng thời cũng cho phép thực hiện hôn nhân anh em chồng (anh chết, em lấy chị dâu làm vợ). Xưa kia tục lệ này có tính chất bắt buộc vì nó có liên quan đến việc phân chia, kế thừa quyền sở hữu tài sản.

 

Gia đình của người Cờ Lao là gia đình nhỏ phụ quyền. Các con đều theo họ cha. Khi sinh con, người Cờ Lao có tục đốt nhau thai, tro than được bỏ vào hốc đá trên rừng. Con trai được đặt tên sau 3 ngày 3 đêm, con gái 2 ngày 3 đêm, riêng người Cờ Lao Đỏ chỉ đặt tên con khi đã đầy tháng. Theo phong tục, đứa con đầu lòng được bà ngoại đặt tên và tặng quà cho cháu. Trong lễ đặt tên tiến hành lễ cúng tổ tiên và thần Ghi Trếnh, vị thần bảo vệ trẻ em.

 

Trong tang ma, người Cờ Lao có phong tục làm ma hai lần: lễ chôn người chết và lễ làm chay. Ở người Cờ Lao Xanh, lễ làm chay có thể tiến hành ngay trong ngày chôn hoặc một vài năm sau mới làm. Người Cờ Lao Đỏ có phong tục xếp đá quanh mộ, trên 10 tuổi thì xếp một vòng và sau đó cứ thêm 10 tuổi (trên 20, 30…) lại xếp thêm một vòng đá nữa. Người ta phủ kín đất lên các vòng đá tuổi; trên mộ lại xếp thêm một vòng đá cuối cùng.

 

Hiện nay, trong khi cả nước đang đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế thì ở một số thôn, bản vùng cao biên giới phía Bắc do nhiều nguyên nhân khác nhau vẫn còn một nhóm dân tộc thiểu số có trình độ phát triển kinh tế-xã hội thấp hơn nhiều so với các dân tộc khác, trong đó có dân tộc Cờ Lao thuộc nhóm bốn dân tộc (Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao) là những điển hình trong nhóm dân tộc đặc biệt khó khăn, chậm phát triển. Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào còn nghèo nàn, văn hoá truyền thống đang bị mai một, sự giao thoa, đồng hóa về văn hóa diễn ra hàng ngày, cả về nhà ở, ngôn ngữ, trang phục và lễ hội.

 

Để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và giúp cho dân tộc Cờ Lao thoát khỏi hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như hiện nay, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hoá truyền thống, hoà nhập và bắt nhịp với sự phát triển chung của khu vực thì việc thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển bền vững các dân tộc đặc biệt khó khăn là hết sức cấp thiết./.

Nguồn: LangvietOnline

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT